Câu 1: Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta thường vận dụng thêm những biện pháp nghệ thuật nào? Nêu yêu cầu khi sử dụng các biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 2: Thế nào là phương châm quan hệ? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 3: Viết một đoạn văn nói lên cảm nhận của em về nhân vật Kiều Nguyệt Nga qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

Câu 4: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Muốn cho văn bản thuyết minh được sinh động, hấp dẫn, người ta thường vận dụng thêm một số biện pháp nghệ thuật như kể chuyện, tự thuật, đối thoại theo lối ẩn dụ, nhân hoá hoặc các hình thức vè, diễn ca.

– Yêu cầu khi sử dụng biện pháp nghệ thuật đó: Các biện pháp cần được sử dụng thích hợp, góp phần làm nổi bật đặc điểm của đối tượng thuyết minh và gây hứng thú cho người đọc.

Câu 2: Thế nào là phương châm quan hệ? Cho ví dụ minh hoạ.

– Phương châm quan hệ: Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

– Ví dụ: Cuộc đối thoại giữa A và B

A: Cậu thích xem phim hay xem ca nhạc?

B: Tớ thích xem phim. (Trả lời trực tiếp vào nội dung người hỏi cần biết)

Câu 3: Viết một đoạn văn….

Truyện Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã nói lên được khát vọng cứu người giúp đời của tác giả và phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Kiều Nguyệt Nga xuất hiện không nhiều nhưng chỉ qua lời lẽ, cử chỉ khi giãi bày với Lục Vân Tiên, ta cũng thấy được nàng là người con gái có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Trước hết lời lẽ của nàng là lời lẽ của một cô gái khuê các, thuỳ mị, nết na, có học thức. Cách Nguyệt Nga xưng hô thật khiêm nhường. Khi xưng hô, nàng gọi Vân Tiên là “quân tử”, xưng mình là “tiện thiếp”:

Trước xe quân tử tạm ngồi
Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Cách nói năng của nàng thật dịu dàng, mực thước. Khi Vân Tiên hỏi nguyên do bởi đâu mà gặp tai hoạ thì Nguyệt Nga đã trả lời thật rõ ràng, khúc chiết. Câu trả lời của nàng vừa đáp ứng đầy đủ những điều thăm hỏi ân cần của Vân Tiên vừa thể hiện được sự chân thành, niềm cảm kích, xúc động của mình. Nguyệt Nga còn là người có tình nghĩa, có trước sau. Khi được Vân Tiên cứu, Nguyệt Nga vô cùng biết ơn. Bởi vì Vân Tiên không chỉ cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng. Nàng rất áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn Vân Tiên, dù hiểu rằng có đền đáp đến mấy cũng là chưa đủ:

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

Như vậy, chỉ qua lời lẽ ít ỏi mà nhân vật Nguyệt Nga hiện lên thật đẹp. Nàng đẹp ở cách nói năng, đẹp ở cử chỉ nhẹ nhàng, đẹp ở tấm lòng trọng nghĩa trọng tình. Một người con gái như vậy mới có thể tự nguyện gắn bó với Lục Vân Tiên suốt đời. Sau này, bị bắt đi cống giặc Ô Qua, thuyền đi tới biên giới, Nguyệt Nga đã mang theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử để giữ trọn ân tình, thuỷ chung với Vân Tiên. Nét đẹp về tâm hồn đã làm cho hình ảnh Kiều Nguyệt Nga chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân hôm nay và mãi mãi sau này.

Câu 4: Bài làm cần đạt được các ý sau:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nhân vật

– Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng ở thế kỉ XVI. Ông là người học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi sống ẩn dật.

Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ một truyện dân gian (truyện thứ 16 ) trong số 20 truyện của tác phẩm Truyền kì mạn lục.

– Vũ Nương là nhân vật chính của câu chuyện. Phân tích nhân vật Vũ Nương, ta thấy được đây là người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh nhưng phải chịu một số phận bất hạnh.

2. Giải quyết vấn đề

a) Hoàn cảnh xuất thân của nhân vật Vũ Nương

– Xuất thân trong một gia đình “kẻ khó”.

– Kết hôn cùng Trương Sinh không phải xuất phát từ tình yêu.

b) Ngoại hình

“Tư dung tốt đẹp”

c) Vũ Nương có nhiều phẩm chất tốt đẹp 

– Nết na, thuỳ mị, nói năng nhỏ nhẹ, sống khuôn phép, lễ giáo, được mọi người yêu mến.

– Đảm đang nuôi mẹ chồng, nuôi con một mình, hiếu thảo nhân hậu: chăm sóc mẹ chồng chu đáo lúc mẹ chồng đau ốm. Lúc mẹ chồng mất, ma chay chu tất.

– Thuỷ chung son sắt, thương chồng, thương con, luôn giữ trọn phẩm tiết.

– Ngay thẳng, trong sáng, bị oan khuất đã tự tử…

d) Vũ Nương có số phận bất hạnh

+ Phải nuôi con, nuôi mẹ một mình.

+ Chờ chồng đằng đẵng nhiều năm trời.

+ Bị chồng nghi oan và đuổi đi.

+ Phải chết oan.

3. Kết thúc vấn đề

– Nhân vật Vũ Nương mang nhiều phẩm chất tốt đẹp, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.

phận của Vũ Nương thật bất hạnh. Đó cũng là nỗi bất hạnh của biết bao người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.

– Qua nhật vật Vũ Nương, ta thông cảm, thương xót cho số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, ta lên án xã hội phong kiến vì đã không đảm bảo được cuộc sống, sự công bằng cho người phụ nữ.

– Ta học tập được cách nhìn và tình cảm trân trọng, thông cảm của tác giả dành cho những người phụ nữ.

ĐỀ 06 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết