I. Bài tập nhận thức kiến thức mới

– Không khí có thể bị ô nhiễm và gây tác hại tới hoạt động hô hấp từ những loại tác nhân thế nào?

Không khí có thể bị ô nhiễm và gây tác hại tới hoạt động hô hấp từ những loại tác nhân sau:

+ Bụi.

+ Các loại khí độc hại như NOx, SOx, CO,..

+ Các chất độc hại như nicotin, nitrozamin,…

+ Các vi sinh vật gây bệnh.

– Đề ra các biện pháp nhằm bảo vệ hệ hô hấp tránh các tác nhân có hại?

Các biện pháp nhằm bảo vệ hệ hô hấp tránh các tác nhân có hại:

– Trồng nhiều cây xanh trên đường phố, công sở, trường học, bệnh viện, nơi ở.

– Đeo khẩu trang khi đi ngoài đường và khi quét dọn vệ sinh.

– Xây dựng nơi ở và nơi làm việc có đủ nắng, gió, tránh ẩm thấp. 

– Thường xuyên dọn vệ sinh. Không khạc nhổ bừa bãi,…

– Hạn chế việc sử dụng các thiết bị có thải các khí độc hại.

– Không hút thuốc lá và vận động mọi người không hút thuốc lá.

– Luyện tập thể dục thể thao đúng cách, đều đặn từ bé có thể có dung tích sống lí tưởng vì:

   Dung tích sống phụ thuộc tổng dung tích phổi và dung tích khí cặn. Dung tích phổi phụ thuộc dung tích lồng ngực, mà dung tích lồng ngực phụ thuộc sự phát triển của khung xương sườn trong độ tuổi phát triển, sau độ tuổi phát triển sẽ không phát triển nữa. Dung tích khí cặn phụ thuộc khả năng co tối đa của các cơ thở ra, các cơ này cần luyện tập đều đặn từ bé.

– Giải thích vì sao khi thở sâu và giảm số nhịp thở trong mỗi phút làm tăng hiệu quả hô hấp?

   Khi thở sâu và giảm số nhịp thở trong mỗi phút sẽ làm tăng hiệu quả hô hấp được giải thích qua thí dụ sau:

– Một người thở bình thường 18 nhịp/phút, mỗi nhịp hít vào 400ml không khí:

+ Khí lưu thông/phút là: 400ml x 18 = 7200ml.

+ Khí vô ích ở khoảng chết là: 150ml x 18 = 2700ml.

+ Khí hữu ích vào tới phế nang là: 7200ml – 2700ml = 4500ml.

– Nếu người đó thở sâu: 12 nhịp/phút, mỗi nhịp hít vào 600ml.

+ Khí lưu thông là: 600ml x 12 = 7200ml.

+ Khí vô ích ở khoảng chết là: 150ml x 12 = 1800ml.

+ Khí hữu ích vào tới phế nang là: 7200ml – 1800ml= 5400ml.

   Vậy ta thấy lượng khí hữu ích trong thở sâu (5400ml) lớn hơn trong thở bình thường (4500ml), tuy thở sâu nhịp thở giảm chỉ còn 12 nhịp/phút so với thở bình thường 18 nhịp/phút.

Kết luận: khi thở sâu và giảm nhịp thở trong mỗi phút sẽ tăng hiệu quả hô hấp.

– Đề ra biện pháp để có thể có một hệ hô hấp khỏe mạnh:

   Các biện pháp tập luyện để có thể có một hệ hô hấp khỏe mạnh: tích cực thường xuyên tập thể dục thể thao, phối hợp tập thở sâu và giảm nhịp thở từ bé.

II. Bài tập củng cố, hoàn thiện kiến thức

Câu 1. Trồng cây xanh có ích lợi gì trong việc làm sạch bầu không khí quanh ta?

Trồng cây xanh có ích lợi làm trong sạch bầu không khí quanh ta là:

Cây xanh điều hoà thành phần không khí (chủ yếu là tỉ lệ O2 và CO2) theo hướng có lợi cho hô hấp.

Cây xanh quang hợp sẽ lấy khí cacbônic và nhả ra khí ôxi, khí ôxi cần cho hoạt động hô hấp của con người và các sinh vật khác trên Trái Đất. Cây xanh còn có tác dụng lọc bụi, làm giảm ô nhiễm môi trường, tạo bầu không khí mát mẻ (điều hoà khí hậu),…

Câu 2. Hút thuốc lá có hại như thế nào cho hệ hô hấp?

Hút thuốc lá có hại cho hệ hô hấp như:

+ Nicotin làm tê liệt lớp lông rung phế quản, giảm hiệu quả lọc sạch không khí. Có thể gây ung thư phổi.

+ NO, gây viêm, sưng lớp niêm mạc, cản trở trao đổi khí, có thể gây chết ở liều cao.

+ CO chiếm chỗ của ôxi tông hồng cầu, làm cho cơ thể ở trạng thái thiếu ôxi, đặc biệt khi cơ thể hoạt động mạnh.

+ Thuốc lá gây tác hại đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, bài tiết… Từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ bản thân và của người xung quanh.

Câu 3. Tại sao đường dẫn khí của hệ hô hấp đã có những cấu trúc và cơ chế chống bụi bảo vệ phổi mà khi lao động hay đi đường vẫn cần đeo khẩu trang chống bụi?

   Trong đường dẫn khí của hệ hô hấp đã có những cấu trúc và cơ chế chống bụi bảo vệ phổi mà khi lao động vệ sinh hoặc đi đường vẫn cần phải đeo khẩu trang vì: mật độ bụi, khói, các chất gây nhiễm… khi quá nhiều (> 100 000 hạt/ml, cm³ không khí) sẽ quá khả năng lọc sạch của đường dẫn khí trong hệ hô hấp → gây bệnh bụi phổi.

Câu 4. Dung tích sống là gì? Quá trình luyện tập để tăng dung tích sống phụ thuộc các yếu tố nào? 

   Dung tích sống là thể tích lớn nhất của không khí mà cơ thể hít vào và thở ra một lần.

    Quá trình luyện tập để tăng dung tích sống phụ thuộc vào sự phát triển của khung xương sườn (ở người trưởng thành xương không phát triển nữa) và khả năng co tối đa của các cơ thở ra.

III. Bài tập bổ sung

Câu 1. Nêu khái quát các biện pháp vệ sinh hô hấp?

Đáp án: Nêu khái quát các biện pháp vệ sinh hô hấp.

– Cần tích cực xây dựng môi trường sống và làm việc có bầu không khí trong sạch, ít ô nhiễm bằng các biện pháp như trồng nhiều cây xanh, không xả rác bừa bãi, không hút thuốc lá; đeo khẩu trang chống bệnh khi làm vệ sinh hay khi đi ngoài đường phố.

– Cần tích cực rèn luyện để có một hệ hô hấp khoẻ mạnh. Tập luyện thể dục thể thao hợp lý phối hợp với tập thở sâu và giảm nhịp thở thường xuyên, từ bé.

Câu 2. Hãy kể các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em mà em biết? Cách phòng chống các bệnh trên như thế nào? 

Đáp án: Các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em: bệnh ho gà, bạch hầu, lao

Muốn phòng chống được các bệnh trên chúng ta cần biết được con đường lây truyền:

– Lây qua đường hô hấp:

+ Trực tiếp: hít phải những giọt nước bọt lúc bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ

+ Gián tiếp: qua bụi, đồ dùng, thức ăn bị nhiễm khuẩn

– Cách phòng bệnh:

+ Tiêm chủng phòng bệnh .

+ Cách li người bệnh, tẩy uế nơi ở của bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân.

+ Nhà ở phải thoáng, mát, đủ ánh nắng, giữ ấm thân thể.

Câu 3. Thở sâu có lợi gì? Làm thế nào để có một hệ hô hấp khỏe mạnh?

Đáp án:

– Thở sâu đẩy được nhiều khí cặn ra khỏi phổi. Thở sâu và giảm nhịp thở trong mỗi phút sẽ tăng hiệu quả hô hấp

– Để có một hệ hô hấp khỏe mạnh cần luyện tập thể dục thể thao, phối hợp với tập thở sâu và nhịp thở thường xuyên từ bé, luyện tập phải vừa sức và từ từ.

Câu 4. Nêu các biện pháp bảo vệ, rèn luyện hệ hô hấp?

Đáp án: Các biện pháp bảo vệ, rèn luyện hệ hô hấp:

   Cần tích cực xây dựng môi trường sống và làm việc có bầu không khí trong sạch, ít ô nhiễm bằng các biện pháp như:

– Trồng nhiều cây xanh

– Không xả rác bừa bãi

– Không hút thuốc lá

– Đeo khẩu trang chống bụi khi làm vệ sinh hay khi hoạt động ở môi trường nhiều bụi.

Cần tích cực rèn luyện để có một hệ hô hấp khoẻ mạnh bằng luyện tập thể dục thể thao phối hợp tập thở sâu và giảm nhịp thở thường xuyên, từ bé.

Nguồn website giaibai5s.com

Chương IV. Hô hấp-Bài 22. Vệ sinh hô hấp.
Đánh giá bài viết