Thạch Sanh là truyện cổ tích tiêu biểu của kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Đây là truyện cổ tích thần kì kể về cuộc đời của nhân vật dũng sĩ Thạch Sanh, qua đó thể hiện ước mơ của nhân dân ta.

1, Nhân vật Thạch Sanh

a) Nguồn gốc xuất thân

Thạch Sanh có một nguồn gốc vừa bình thường vừa khác thường. Bình thường vì chàng là con trai của gia đình nông dân nghèo, tốt bụng. Khi Thạch Sanh còn nằm trong bụng mẹ thì cha mất, khi cậu lớn lên thì mẹ cũng qua đời. Thạch Sanh sống lủi thủi dưới gốc đa bằng nghề đốn củi. Chàng là một người mồ côi, bất hạnh, đáng thương. Ngoài ra, nguồn gốc xuất thân của Thạch Sanh cũng có những điều không giống với người thường. Thạch Sanh ra đời là do Ngọc Hoàng sai thái tử xuống đầu thai. Bà mẹ phải mang thai mấy năm mới sinh ra chàng. Và khi Thạch Sanh bắt đầu biết dùng búa, Ngọc Hoàng đã sai thiên thần xuống dạy đủ các môn võ nghệ, mọi phép thần thông. Những chi tiết khác thường này khiến cho nhân vật trở nên kì lạ, đẹp đẽ. Chúng gợi cho người đọc suy nghĩ về những khả năng đặc biệt và phi thường của nhân vật.

b) Những thử thách, chiến công và phẩm chất cao đẹp của Thạch Sanh

– Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách vô cùng khó khăn. Nhưng bằng tài năng và phẩm chất vốn có cùng sự giúp đỡ của các lực lượng thần kì, chàng đã lập nên những chiến công kì diệu

Thử thách Chiến công của Thạch Sanh
Đi canh miếu thờ, phải đối mặt với chằn tinh Giết chết chằn tinh, có được cung tên vàng
Đối mặt với đại bàng Giết chết đại bàng, cứu công chúa
Bị Lý Thông nhốt dưới hang sâu Cứu được con trai vua Thủy Tề, được tặng cây đàn thần
Bị nhốt vào ngục tối Đem đàn ra gảy, cứu được công chua, giải oan cho mình và vạch tội Lý Thông
Phải đối mặt với quân mười tám nước chư hầu Đánh thắng quân mười tám nước chư hầu, được lên làm vua

– Qua những thử thách đó, ta thấy Thạch Sanh có nhiều phẩm chất quý báu. Chàng là một người khỏe mạnh, rất hiền lành, thật thà, chất phác. Nhưng tài năng và lòng dũng cảm của Thạch Sanh cũng khiến nhiều người phải khâm phục và ngưỡng mộ. Nhưng hơn hết, Thạch Sanh vẫn là một người tốt bụng, nhân hậu, giàu lòng vị tha, giàu lòI đạo và yêu chuộng hòa bình. Mặc dù nhiều lần bị mẹ con Lý Thông hãm hại nhưng cuối cùng chàng vẫn tha tội chết cho họ. Khi quân sĩ mười tám nước chư hầu sang xâm lược, Thạch Sanh đã không dùng binh đao và những phép thuật của mình để đánh trả. Chàng đã dùng cách thu phục lòng người. Khi quân sĩ mười tám nước xin hàng, Thạch Sanh không chỉ tha tội mà còn thết đãi họ rất tử tế. Những phẩm chất tốt đẹp của Thạch Sanh càng khiến cho nhân dân ta yêu mến và cảm phục.

c) Phần thưởng xứng đáng cho Thạch Sanh

Kết thúc truyện, chàng đã được lấy công chúa, được lên làm vua. Đây là phần thưởng cao quý nhất và cũng xứng đáng nhất dành cho người hiền lành, tốt bụng và tài năng như Thạch Sanh.

2, Nhân vật Lý Thông

Nhân vật Lý Thông hoàn toàn đối lập với nhân vật Thạch Sanh. Lý Thông làm nghề bán rượu, tính tình mưu mô, xảo huyệt. Việc Lý Thông kết nghĩa anh em với Thạch Sanh không phải xuất phát từ lòng thương mà bắt đầu từ những toan tính: “Người này khỏe như voi. Nó về ở cùng thì có lợi biết bao nhiêu”. Sau đó Lý Thông đã nhiều lần lừa Thạch Sanh, đẩy Thạch Sanh vào chỗ chết, tìm cách hãm hại và cướp công của chàng. Lý Thông là kẻ ích kỉ, bất nhân, bất nghĩa. Kết cục, hai mẹ con Lý Thông đã bị sét đánh chết giữa đường. Đây cũng là kết cục đích đáng cho những người mưu mô, xảo huyệt, độc ác và tàn nhẫn. Sự đối lập giữa Thạch Sanh và Lý Thông là sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, thật thà và xảo trá, vị tha và ích kỉ.

3, Quan niệm và ước mơ của nhân dân ta

Truyện cổ tích Thạch Sanh thể hiện quan niệm của nhân dân ta, đó là ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Thạch Sanh là một người tốt bụng, nhân hậu, độ lượng nên cuối cùng được hưởng hạnh phúc, được lấy công chúa và làm vua. Ngược lại, Lý Thông là kẻ ích kỉ, tham lam, độc ác nên cuối cùng bị trừng phạt.

Qua câu chuyện này, nhân dân ta thể hiện niềm tin về đạo đức, ước mơ được đổi đời, được sống một cuộc sống hạnh phúc và hòa bình.

4, Những chi tiết thần kì

Trong truyện Thạch Sanh có những chi tiết thần kì hấp dẫn, đó là các chi tiết: cây đàn thân và niêu cơm thân.

– Cây đàn thân là một phương tiện kì diệu. Tiếng đàn cất lên từ trong ngục tối đến tại công chúa và khiến nàng cất tiếng nói. Tiếng đàn đã giúp công chúa khỏi bệnh, giúp Thạch Sanh giải oan và vạch tội Lý Thông. Tiếng đàn còn khiến cho quân sĩ mười tám nước chư hầu bủn rủn cả chân tay, không muốn đánh nhau nữa.  Âm thanh của tiếng đàn có sức mạnh thật kì diệu. Đó là tiếng đàn của công lí, tiếng đàn của tình yêu và cũng là tiếng đàn của lòng yêu chuộng hòa bình.

– Niêu cơm của Thạch Sanh cũng thật lạ. Niêu cơm nhỏ bé nhưng ăn hết lại đây. Niêu cơm thần của Thạch Sanh phải chăng là biểu tượng cho tấm lòng nhân đạo và lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta từ xưa đến nay.

Cảm nhận truyện Thạch Sanh
5 (100%) 1 vote