BÁT CẢNH TÂY HỒ

Hồ Tây ở Hà Nội có lịch sử lâu đời, xưa kia hồ có tên là Lãng Bạc, thời Lí gọi là hồ Dâm Đàm và đến năm 1573 thì đổi thành Tây Hồ. Vào thế kỉ thứ XVII, Tây Đô Vương Trinh Tạc nhuận triều với vua Thần Tông đã đổi tên gọi là Đoái Hồ và sau này trở lại tên cũ Hồ Tây. Theo sử sách ghi lại thì Hồ Tây xưa, nổi tiếng nhất là tám thắng cảnh hay còn gọi là “Tây Hồ bát cảnh”.

Tây Hồ bát cảnh gồm có: Bến Trúc Nghi Tàm, Rừng bàng Yên Thái, Đền thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, Đồng Bằng Nghi Tàm, Chợ đêm Khán Xuân, Tiếng đàn hành cung, Sâm cầm Tây Hồ.

1.Bến Trúc Nghi Tàm

Làng Nghi Tàm bên Hồ Tây xưa có loài trúc mọc tươi tốt thành vườn trúc tuyệt đẹp. Chúa Trịnh Giang (1729 – 1740) đã chọn nơi này mở bến tắm, dựng nhà để hàng năm các chúa và cung nữ đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh và bến trúc Nghi Tàm ra đời từ đó.

2. Rừng bàng Yên Thái

Làng Yên Thái (phường Bưởi bây giờ) có một núi đất cao khoảng bốn đến năm trăm thước, rộng chừng một mẫu. Cũng chúa Trịnh Giang đã cho trồng lên núi hàng vạn cây bàng. Rừng bàng Yên Thái trở thành thắng cảnh đẹp. Đáng tiếc là sau này vua Lê Mẫn Đế (1787 – 1788) niên hiệu Chiêu Thống đã ra lệnh phá rừng, san núi để trả thù các chúa Trịnh.

3. Đền thề Đồng Cổ

Còn gọi là Đền thần Đồng Cổ, do vua Lí Thái Tông (1028 – 1054) tên thật là Lí Phật Mã cho lập đàn Đồng Cổ tại làng Thụy Chương (nay là cụm 4 phường Bưởi) quận Tây Hồ. Kiến trúc đền gồm hai tầng, tầng dưới để vua ngự mỗi khi đến thăm, tầng trên thờ thần. Hàng năm vào hai kì xuân và thu, nhà vua ra đây làm lễ tế trời đất, thần linh rồi cùng văn võ bá quan thề trước Đền: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, Thanh minh tru diệt”. Đáng tiếc do thời gian trôi đi, phần bị thiên nhiên huỷ hoại, phần bị chiến tranh tàn phá nên Đền thề Đồng Cổ không còn nữa.

4. Phật say làng Thụy

Đời vua Lê Trung Hưng ở phía trước làng Thụy Chương (Bưởi) có một ngôi chùa nhỏ bị đổ, còn sót lại một pho tượng, hình thể của tượng là một tay chống gậy, chân khệnh khạng. Dân làng Thụy nổi tiếng nấu rượu ngon, trạng Quỳnh (1677 – 1748) đến mua rượu uống và vịnh thơ, mô tả hình tượng Phật say rất độc đáo, có dụng ý phản ánh thời cuộc. Hàng tháng, cứ ngày rằm, mồng một khách thập phương đến đó cũng lễ. Nhưng cũng vào cuối đời Lê, pho tượng này bị đưa đi đâu mất.

5. Đồng Bông (hoa) Nghi Tàm 

Đồng Bông thuộc làng Nghi Tàm, ngày xưa đây là nơi nổi tiếng thiên hạ bởi có nghề trồng những loài hoa đẹp nhất, thơm nhất, đặc biệt là ở khu đất trước chùa Kim Liên (làng Nghi Tàm) được truyền tụng là nơi có hình thế đẹp, hợp phong thủy và có tinh chất quý. Hoa tươi Nghi Tàm một thời được dùng làm đồ tiến vua, tiến chúa

6. Chợ đêm Khán Xuân

Phía nam Hồ Tây, chúa Trịnh Giang cho lập một li cung, có các dãy nhà như quán hàng xung quanh. Vào mùa hè, chúa ra cung này nghỉ, các nội thần và cung nữ bày hàng bán và hát suốt đêm. Chợ đêm Khán Xuân mang ý nghĩa văn hóa tinh thần hơn là mua bán thực dụng.

7. Tiếng đàn hành cung

Vào thời kì nhuận triều Lê – Trịnh (1545 – 1788) một thời gian rất dài, chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây bị các chúa Trịnh chiếm và đặt hành cung: Chúa Trịnh Giang (1729 – 1740) Chúa trịnh Sâm (1767 – 1782). Trong số các cung nữ phục vụ ở hành cung có Mĩ nữ họ Hà rất giỏi đàn, được chúa trịnh yêu chiều. Tiếng đàn hành cung có nhiều ý nghĩa, tùy theo quan niệm có thể là thú chơi tao nhã, cao sang hay trò mua vui lạc điệu trong thời loạn lạc.

8. Sâm cầm Tây Hồ

Vào mùa thu, khi mặt nước Hồ Tây bao phủ một màn sương trắng mờ, xuất hiện hàng ngàn con chim tung tăng bơi lượn, tiếng kêu ríu ran, lao xao suốt đêm ngày. Đây là một loài chim ăn củ sâm từ phương Bắc di trú về; sâm cầm được coi là thức ăn bổ dưỡng mà các vua quan nhà Nguyễn thường bắt dân cống tiến. Về sau, dân chúng tranh đấu quyết liệt, vua Tự Đức (1843 – 1883) mới bãi bỏ lệ này.

Nhớ về “Bát cảnh Tây Hồ” không khỏi bùi ngùi tiếc nuối những gì một đi không trở lại và nay chỉ còn trong sử sách. Nhưng nó lại nhắc nhở chúng ta cần giữ gìn những gì tốt đẹp của hôm nay cho thế hệ mai sau.

Theo Nguyễn Đức

(Tạp chí Du lịch Việt Nam)

Giaibai5s.com

Bát cảnh Tây Hồ
Đánh giá bài viết