Có một con đường nhỏ đã gắn liền với bao kỉ niệm của tôi: đường phố Lê Ngọc Hân. Phố tôi không to lớn rực rỡ, nó nhỏ nhắn gần như đơn côi giữa các phố lớn khác. Chúng tôi không gọi nó bằng cái tên sang trọng: Lê Ngọc Hân, mà gọi nó bằng một cái tên khác giản dị hơn: “phố xanh”.

Phố Xanh của chúng tôi đầy những cây bàng và hoa sữa. Mùa thu đi học, chúng tôi bước trên một tấm thảm hoa sữa xanh nõn nà. Hoa sữa đã trở thành loài hoa giản dị, tượng trưng cho tuổi thơ của chúng tôi. Hồi mới bắt đầu đi học, tôi nhét một đống lá vào cặp mang tới trường. Tôi bảo mẹ: “Con mang lá đến trường, giờ ra chơi tết nghé ngọ với bọ cạp ấy mà. Con dạy các bạn tết đồ chơi cho đỡ nhớ phố”. Mẹ tôi chẳng nói gì. Về sau, cô giáo không cho mang đồ chơi đến trường nữa, tôi lại giấu lá vào hộp bút. Thật là nghịch ngợm. Những hàng cây xanh đã thành tên phố như vậy đấy!

Nhà cửa ở phố tôi không nhiều, nhưng mỗi ngôi nhà có một “mảnh hồng riêng. Trẻ con trong phố đứa nào cũng bảo thế. Cho nên, lúc nào trên hè phố cũng “hiện ra” vô số hình vẽ nhà cửa. Nhà nào cũng thế, mắt mũi ở đâu ra không biết. Bọn trẻ vẽ mắt ngôi nhà to tướng, nhà lại có cả chân, cả tay, sinh động vô cùng!..

Những trưa hè oi ả, chẳng thấy bóng dáng ai đâu, phố tôi sao buồn thế vậy! Các cây phượng đỏ, cây me xanh lắc lư theo gió. Chúng cũng có niềm vui, nỗi buồn riêng đấy chứ! Tôi có cảm tưởng như mỗi vết lồi, vết lõm trên hè phố, mỗi chỗ sát của vỉa hè cũng in đậm dấu ấn của trò chơi tuổi nhỏ. Mặc dù lúc này chẳng phải mùa thu, nhưng tôi vẫn thấy lẩn quất đâu đây mùi hương hoa sữa, Im ắng quá! Dường như tôi nghe thấy cả tiếng chim lách chách trên cao, tiếng động nhè nhẹ của mấy con giun đang đào đất, của con kiến nhỏ đang bò.

Một số người trêu chúng tôi là mơ mộng quá. Họ bảo “làm sao mà ngôi nhà có mắt mũi chân tay, làm sao mà con kiến, con sâu biết nói tiếng người được?”. Thế mà thật đấy! Nhưng chúng tôi vẫn tức vì người lớn cứ bảo: “Trẻ con thì biết gì?”.

Chúng tôi yêu quý phố Xanh như một người bạn nhỏ, yêu quý với tất cả tấm lòng mình. Và vì thế nên có đứa ước mơ lớn lên làm nhà động vật học, xem con giun có nói được không, có đứa lại mơ làm nhà giáo dạy các học trò, biết sống, biết yêu thương mại vật như chúng tôi đã yêu cái phố này. Còn tôi muốn trở thành nhà thơ, viết thật nhiều về phố nhỏ thân  yêu. Đối với những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường thì mơ ước ấy vẫn xa vời lắm! Dù cho mỗi hôm đi học, tôi lại gửi gắm ước mơ vào từng chiếc lá, cũng không mau chóng trở thành nhà thơ được đâu. Rồi chúng tôi không thể đợi thành nhà thơ, mà vẫn cứ làm thơ. Thơ dài dòng và tẻ ngắt! Đối với trẻ con thì cái gì cũng đơn giản, nhưng mẹ tay vào mới thấy khó.

Đã bao năm trôi qua, tôi từng chứng kiến hơn chục lần hoa sữa rụng. Có thể như thế là chẳng nhiều lắm đâu. Nhưng thơ thì tôi chỉ nhớ hai câu thế này:

Hoa sữa rụng và mùa thu đến

Cả phố thơm mùi hương đâu xa…

Hai câu ấy do bạn tôi làm. Còn tôi chỉ biết gửi ước mơ vào từng chiếc lá. Trong mấy chiếc lá ấy, tôi thấy cả ánh mắt mẹ hiền, cả những lần vấp ngã mè nheo, cả những gì mà tôi hằng yêu quý. Đây là điều tuyệt vời nhất mà cái phố nhỏ này đã dành cho tôi. .

(Bài làm tại lớp trong 60 phút của Trần Thế Phượng – HS lớp 6 chuyên Anh – Trường PTCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, năm học 1993 – 1994) – Giaibai5s.com

Bài số 80: Viết một bài văn tả một cảnh thân quen bình dị ơi em ở
Đánh giá bài viết