BÀI LÀM 

Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam thời sau giải phóng miền Nam năm 1975. Ông bước vào nghề sân khấu khá muộn nhưng đã để lại cho khán giả nhiều tác phẩm gây ấn tượng. Lưu Quang Vũ đã đưa đến cho sân khấu Việt Nam một không khí mới, bằng bản lĩnh vững vàng và nghệ thuật sắc sảo, ông đã đề cập tới hàng loạt vấn đề có tính thời sự nóng hổi trong cuộc sống đương thời, mạnh dạn đưa lên sân khấu những hiện thực mà không ít người thời ấy còn né tránh. Trong đó vở kịch “Tôi và chúng ta” đã để lại nhiều ấn tượng nhất đặc biệt là cảnh ba của vở kịch.

Đây là vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt nhằm thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi. Cuộc đấu tranh ấy được thể hiện qua một loạt xung đột kịch: Xung đột giữa tư tưởng bảo thủ, khư khư giữ lấy các nguyên tắc, quy chế đã cũ, đã lỗi thời với sự khát khao đổi mới vì lợi ích của mọi người; xung đột giữa thứ chủ nghĩa tập thể chung chung với bản lĩnh của những nhân tố tích cực. Tất cả những xung đột ấy đã diễn tả một cách sinh động cuộc đấu tranh giữa hai phái: phái bảo thủ và phái đổi mới. Phái bảo thủ đề cao cái “chúng ta”, phái mới khẳng định cái “tôi” bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân.

Cảnh ba của vở kịch “Tôi và chúng ta” thể hiện rõ nét, tính cách, cái nhìn nhân sinh quan của từng nhân vật. Trong đó, ông giám đốc Hoàng Việt là đại diện của người có cái nhìn tiên tiến, tích cực, có trách nhiệm với công việc. Hoàng Việt may mắn có kĩ sư trẻ Lê Sơn là người có tư tưởng tiến bộ, vì lợi ích chung, có chung chí hướng với Việt.

Nhưng trong xí nghiệp lại có Nguyễn Chính là người giữ chức vụ phó giám đốc đại diện cho tư tưởng lạc hậu, chậm tiến. Anh ta luôn luôn đưa ra nguyên tắc này nguyên tắc kia để kìm hãm sự phát triển của xí nghiệp. Bên cạnh đó còn có nhân vật Trương giữ chức vụ quản đốc – người luôn suy nghĩ vô cảm, không có tình người, bắt nạt công nhân,…

Giám đốc Hoàng Việt và phó giám đốc Nguyễn Chính là hai đối thủ trong cuộc xung đột giữa hai phái mới và cũ này. Cuộc chiến này tuy không tốn nhiều xương máu và gay gắt như cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng nó lại cam go, âm thầm, lặng lẽ và ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển kinh tế của nước nhà.

Nguyễn Chính cho rằng muốn sản xuất thì phải theo đúng kế hoạch “cấp trên”, tuyển công nhân phải theo chỉ tiêu biên chế, bà trưởng phòng tài vụ cho biết “không có quỹ lương cho thợ hợp đồng”, muốn mua sắm nguyên liệu, vật tư “phải làm đúng những quy định”. Giám đốc Hoàng Việt tuyên bố: chúng ta phải chủ động đặt ra kế hoạch, phải tuyển thêm thợ hợp đồng, mức sản xuất của xí nghiệp sẽ tăng lên gấp năm lần, lượng mỗi công nhân sẽ tăng lên bốn lần. Phải dừng việc xây nhà khách để trả lương cho công nhân trong hai tháng, sau đó sẽ hoàn lại. Công nhân sẽ không phải lo “bện thừng gia công kiếm thêm nữa”. Muốn tăng sản xuất thì phải đầu tư, trước tiên là con người, để chấm dứt tình trạng vô lí, bất công: “người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hướng chung một mức quyền lợi, thậm chí có những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán thôi, lại được vị nể hơn những người đã vất vả cống hiến”. Những chức vô tích sự như chức quản đốc Trương thì sẽ được bố trí làm nhiệm vụ khác, bởi lẽ: “Không có chức vụ nào quan trọng cả. Chỉ có hiệu quả công việc là quan trọng”. Ai làm được nhiều sản phẩm sẽ được hưởng lương cao, ai làm tôi sẽ bị phạt bằng tiền. Đây chính là cái nhìn mới nhằm phát triển kinh tế của người lao động, có như thế mới tăng trưởng kinh tế của xí nghiệp và nhà nước. Tuy nhiên, ý kiến này khi đưa ra trước cuộc họp để bàn bạc thì vấp phải sự bảo thủ của nhiều người thuộc tầng lớp cũ. Họ cho rằng cách làm này không được, bởi họ lo lắng khi ý tưởng mới đi vào hoạt động thì họ sẽ trở thành người thừa bị xí nghiệp, xã hội đào thải.

Tiếp theo, muốn phát triển sản xuất thì cần mua thêm máy móc, nhiên liệu, nguyên liệu, phải sửa chữa các máy móc hỏng. Phải dùng séc, tiền mặt để mua sắm. Giám đốc lệnh cho phòng tài vụ cấp tiền cho tổ sửa chữa mua sắm và khẳng định: “Tôi chịu trách nhiệm”. Nhưng bà trưởng phòng tài vụ không chịu chi. Phó giám đốc Nguyễn Chính đã phê phán giám đốc: “Đồng chí bất chấp các quy định nghiêm ngặt của cả một hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng, lao động, vật tư,…”

Phái bảo thủ Nguyễn Chính chống trả rất quyết liệt. Có lúc là bằng nguyên tắc, nghị quyết Đảng ủy, có khi lại lên giọng đạo đức ân tình: “Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta hôm nay có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội phủ nhận”. Phó giám đốc Nguyễn Chính và bà trưởng phòng tài vụ đại diện cho lớp người cũ, chỉ nghĩ tới lợi ích của mình trước. Chính những con người này luôn tìm cách phá hủy cái mới, kéo lùi sự phát triển của xí nghiệp và cả xã hội.

Ở cảnh kịch này, cuộc đấu tranh mới chỉ bắt đầu khởi động (phe tiến bộ tuyên chiến) nhưng đã dự báo một diễn biến hết sức gay go, phức tạp đang chờ đợi (thể hiện ở những cảnh tiếp theo). Và phải đến khi vở kịch kết thúc (cảnh 9) thì chiến thắng mới thực sự thuộc về những con người mới. Vấn đề mà Lưu Quang Vũ muốn thông qua vở kịch để đặt ra cho mọi người cùng suy nghĩ là cần xác định mối quan hệ hài hòa, khăng khít giữa cái “tôi” và cái “chúng ta”: cái “chúng ta” được hình thành từ nhiều cái “tôi” cụ thể, nhưng cái “tôi” cũng không được dựa vào cái “chúng ta” mà tự đánh mất chính mình.

Tác giả đã xây dựng tình huống kịch với những xung đột, những mâu thuẫn căng thẳng, được đặt trong quá trình phát triển rất hợp lí; đồng thời cũng đã diễn tả các hành động kịch một cách cụ thể, sinh động. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng là cuộc đấu tranh giữa phe tiến bộ, đổi mới và phe bảo thủ, trì trệ, và cũng đồng thời tạo cơ sở để các nhân vật bộc lộ tính cách: Giám đốc Hoàng Việt trung thực, thẳng thắn, quyết đoán, tự tin; kĩ sư Lê Sơn giỏi về chuyên môn, có trách nhiệm với công việc; Phó giám đốc Nguyễn Chính lắm mánh khóe, máy móc, bảo thủ,… Lời thoại cũng góp phần thể hiện tính cách nhân vật. Chẳng hạn như lời thoại của Hoàng Việt thể hiện sự quả quyết, tự tin của một con người ý thức được vai trò, trọng trách của mình và nắm vững xu thế phát triển tất yếu của xã hội…

“Tôi và chúng ta” là vở kịch hay, phản ánh xã hội nước ta sau 1975 thật sâu sắc. Qua đó cũng thể hiện cái nhìn của Lưu Quang Vũ, đó cũng là mong muốn của ông về một xã hội mới có thể xóa bỏ những cái nghèo nàn, lạc hậu của xã hội cũ, thay vào đó là những tư tưởng đổi mới, tiến bộ sao cho phù hợp với tình hình xã hội mới.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 89: Phân tích đoạn trích cảnh ba vở kịch “Tôi vài chúng ta” của Lưu Quang Vũ
Đánh giá bài viết