BÀI LÀM 

“Bắc Sơn” là vở kịch nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Trong vở kịch này ông đã làm rõ tinh thần cách mạng của dân ta trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Đặc biệt trong hồi IV của vở kịch đã thể hiện rõ các xung đột kịch, qua đó cũng cho ta thấy được sự chuyển biến theo cách mạng của nhân vật Thơm. 

Thơm được giới thiệu là con gái của ông cụ Phương. Sinh ra trong gia đình có cha và em trai có tinh thần cách mạng mãnh liệt. Vậy mà chống của Thơm chính là Ngọc lại là Việt gian, theo Tây bán nước. Cha và em trai vì theo cách mạng chống lại quân giặc mà đã hi sinh. Còn người chồng của chị ngày càng tham tiền bạc, ngày ngày dẫn bọn Tây đi truy lùng quân cách mạng để lấy tiền tậu nhà, mua ruộng. Một hôm, trong lúc Ngọc dẫn người đi truy đuổi Thái và Cửu – là hai người chiến sĩ cách mạng. Trong lúc bị truy đuổi, hai người này lại chạy ngay vào nhà Thơm – Ngọc để ẩn náu. Tình huống này đã đánh dấu sự chuyển biến trong nhân vật Thơm, cô đã đứng hẳn về phe cách mạng, đã che giấu cho Cửu và Thái khỏi sự truy lùng của giặc Tây. Thơm bắt đầu nghi ngờ Ngọc đã làm tay sai cho giặc. Màn kịch giữa Ngọc và Thơm bắt đầu xảy ra. Những lời nói lấp lửng của Ngọc cho thấy hắn cố tình che giấu đi tội ác của mình, lo sợ hành động xấu xa của mình bị phanh phui. Khi Thơm tỏ ý nghị Ngọc đi bắt giáo Thái, hắn đã lấp liếm bằng những lời nói đánh trống lảng. Nhưng chính thái độ của hắn đã vạch trần sự gian xảo của chính mình: “Thơm nhìn chồng, vô ý thức y quay mặt nhìn đi chỗ khác”. Dù trước đó, Thơm có thờ ơ với thời cuộc. Nhưng sống cạnh những người yêu nước, yêu cách mạng như cha cô và em trai thì bản tính ấy đã phần nào thấm vào trong con người cô, biết việc đánh Tây là đúng đắn. Bởi thế khi cô bắt gặp ánh mắt của Ngọc đã nói: “Đã làm rồi thì thôi đi, hay ho gì cái việc ấy”. Lời nói ấy cho thấy Thơm là người có lòng khoan dung, vị tha, không cần những thứ của cải không chính đáng, sẵn sàng tha thứ cho người chồng nếu anh biết quay đầu và làm lại cuộc đời mình, sẽ sửa chữa những sai lầm bằng việc đầu quân cho cách mạng. Có lúc Thơm đã thừa hưởng những thứ tiền của mà Ngọc đem về từ bọn Tây cho, nhưng giờ đây cô nhận rõ được đó là những thứ tiền nhơ nhớp. Cô dứt khoát: “Làm việc ấy để có tiền thì chết đói, chết rách còn hơn. Anh thằng Sáng đừng cho tôi tiền nữa, tôi không cần tiền ấy”. Nhưng Ngọc đã đánh lừa Thơm, cho rằng giáo Thái là mật thám, làm cho Thơm hoang mang không phân biệt được phải trái. Tuy bản thân cô tự nhủ rằng điều đó không đúng, nhưng cô không thể để ngoài tai những lời nói của chồng mình, cô đau xót gấp trăm lần. Khép lại hiệp một đó là cảnh Thơm cầm trên tay chiếc súng mà cha để lại và khóc. Đó là thái độ ân hận và báo hiệu một sự chuyển biến tích cực cho tính cách nhân vật.

Tình huống bất ngờ mở đầu lớp thứ hai như bổ sung thêm cho thái độ ngả hẳn về phía cách mạng của Thơm. Màn đối thoại giữa ba nhân vật Thái – Cửu – Thơm đã làm nên tình huống thử thách. Đó là Thái đã ngăn Cửu rút súng bắn Thơm vì cho rằng cô là vợ Việt gian thì cũng là Việt gian, Sự bình tĩnh của Thái đã cảm hóa được Thơm. Những gì cô được chứng kiến càng khẳng định niềm tin của cô vào cách mạng. Mặc dù cô chưa hiểu hết về công việc cách mạng nhưng dẫu sao cô cũng là con của một người cha cách mạng. Thái khẳng định lòng tin: “Tôi biết cô Thơm. Anh đừng nghi ngờ dòng máu cụ Phương. Tôi tin như thế”. Ngay lúc đó, Ngọc dẫn quan tới truy lùng Cửu và Thái. Tình huống gay cấn này cũng chính là cơ hội để Thơm chứng tỏ lòng ngay thẳng của mình. Thơm bỗng cuống quýt, lo lắng, không phải lo lắng cho chính mình mà là lo lắng cho hai anh hùng cách mạng kia. Cô vội giấu hai người vào buồng. Thơm đã đứng hẳn về phe cách mạng. Cô không chỉ che giấu cho những người cách mạng mà cô còn khéo léo đánh lạc hướng Ngọc. Sau đó, cô vạch trần bộ mặt thật của Ngọc. Lúc này, Ngọc đã không thể che giấu được tội ác của mình nữa. Do sự ích kỉ, tham lam của cá nhân mà anh ta đã theo Tây. Ngọc thật đáng trách. Trong đoạn hội thoại này của Thơm và Ngọc, những lời của Thơm không hề bộc lộ cảm xúc người vợ thương chồng mà cô đang gắng gượng chịu đựng vai trò của một người vợ trước tên Việt gian. Kết lại vở kịch là sự thở phào sung sướng như trút được gánh nặng của Thơm: “May thế!” Đó cũng là tín hiệu cho chúng ta biết cô đã thực sự đứng về phía cách mạng, không còn là con người thờ ơ đứng ngoài cuộc như trước nữa. Màn kịch với những tình huống bất ngờ, gay cấn liên tục trong ngôi nhà của Thơm đã tạo nên những bước ngoặt tâm trạng dứt khoát của nhân vật Thơm.

Qua hồi kịch ngắn ta đã thấy rõ sự chuyển biến rõ ràng trong con người Thơm. Từ một người đứng ngoài cuộc cô đã trở thành con người nguyện hi sinh vì cách mạng, kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương mình.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 87: Phân tích xung đột kịch “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng để làm rõ quá trình chuyển biến của nhân vật Thơm theo cách mạng
Đánh giá bài viết