BÀI LÀM

“Gia đình” hai tiếng gọi thiêng liêng và cao cả. Đối với mỗi chúng ta, gia đình luôn là điều tuyệt vời nhất. Trong văn học cũng thế, những tác phẩm viết về đề tài gia đình không chỉ ở một quốc gia mà ở cả thế giới. Nhà thơ hiện đại lớn nhất Ấn Độ là Ta-go đã có rất nhiều tác phẩm viết về tình cảm gia đình, mà tác phẩm thân quen nhất đó là “Mây và sóng”.

Bài thơ “Mây và sóng” nói về tình yêu mẹ và mơ ước kì diệu của tuổi thơ. Bài thơ mang sắc điệu trữ tình như một bài đồng giao thể hiện niềm giao cảm thần tiên của tâm hồn tuổi thơ với mây và sóng, với thiên nhiên kì diệu.

Bài thơ gồm hai phần có nhiều nét giống nhau nhưng chỉ có phần đầu được mở đầu bằng cụm từ “Mẹ ơi” là tiếng gọi tha thiết, thổ lộ tình cảm một cách tự nhiên của em bé. Nếu ở đoạn thứ hai có cụm từ “mẹ ơi” đừng đầu thì mạch kể sẽ bị đứt đoạn, không nói được điều mà nhà thơ muốn nói. Cả hai phần đều có trình tự tường thuật giống nhau nhưng ý lại không trùng lặp, những cảnh vật tự nhiên ở hai phần đều khác nhau. Tình cảm của người con, hình ảnh và tấm lòng người mẹ qua lời con ở phần hai cũng dồn dập, da diết hơn. – Em bé ngước mắt lên nhìn trời xanh, lắng nghe mây trên chín tầng trời cao vẫy gọi, mây ân cần rủ em lên chơi cùng “giỡn với sớm vàng”, đùa “cùng trắng bạc”. Mây được nhân hóa có gương mặt, nụ cười, giọng nói:

Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận trời mây”
……… 
Thế là họ mỉm cười bay đi.

Cuộc đối thoại giữa mây và em bé nói lên tâm hồn bay bổng, hồn nhiên của tuổi thơ. Trước lời mời gọi đầy sức hấp dẫn ấy, em bé khao khát muốn vui chơi cùng bạn bè: “làm thế nào” và khi sắp sửa làm theo lời chỉ dẫn của bạn thì em lại nghĩ ngay đến mẹ, nghĩ đến tình cảm người mẹ dành cho mình:

Mẹ mình đang đợi ở nhà – con bảo – Làm sao có thể rời mẹ mà đến được.

Tình mẫu tử đã chiến thắng những ham muốn nhất thời. Yêu mẹ hiền, yêu mái nhà êm ấm là những tình cảm trong sáng, đằm thắm của em bé. Có gì hạnh phúc hơn khi được sống bên mẹ dấu yêu. Em đã khắc phục những ham muốn rất hồn nhiên và rất chính , đáng của mình bằng cách tưởng tượng ra những cuộc vui chơi rất ngây thơ và cũng rất cảm động:

Con là mây và mẹ sẽ là trăng 
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.

Thế là em đã có trò chơi hay hơn, ý nghĩa hơn. Em không chỉ có mây mà em có cả trăng, không chỉ vui đùa mà để cùng sống dưới mái nhà để em được tiếp nhận những ánh sáng dịu hiền. Trí tưởng tượng kì diệu và tình yêu thiếu nhi nồng nàn của Ta-go đã sáng tạo nên vần thơ đẹp nói về hạnh phúc tuổi thơ. Ở đây, tình mẫu tử được nâng lên ngang với tầm vũ trụ.

Em bé tiếp tục nhìn ra biển lớn, nghe thấy những tiếng sóng reo ca, sóng lại mời đón em ra chơi cùng:

Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao.

Sóng thủ thỉ cùng em bé về cuộc viễn du, em bé thích thú: “làm thế nào…” nhưng lại một lần nữa, tình mẫu tử trỗi dậy:

Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?

Mơ ước được bay xa nhưng em bé lại băn khoăn, lưỡng lự. “Em đã không thể đi du ngoạn cùng mây cao, nên em cũng không thể đi ca hát cùng sóng xa. Với em chỉ có mẹ hiền yêu thương là nguồn vui, ấm áp cao cả, thiêng liêng mà tạo hóa đã dành cho. Em lại nghĩ ra trò chơi mới, thú vị hơn nhiều: 

Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, 
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ, 
Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.

Giờ đây, em bé đã có sóng, còn có mẹ là “bến bờ kì lạ” luôn bao dung, rộng mở, sẵn sàng đón tiếp để em: “lăn, lăn, lăn mãi” và “vỡ tan vào lòng mẹ”. Từ hai ham muốn chính đáng tưởng chừng như loại trừ lẫn nhau, bài thơ đã đi đến một sự dung hợp hài hòa, một kết cục trọn vẹn. Đây chính là tinh thần nhân văn sâu sắc của bài thơ: tinh thần khắc phục những ham muốn nhất thời của mỗi người trên bước trưởng thành.

Bài thơ là hai mẩu đối thoại của em bé với Mây và Sóng, đan xen vào đó là lời thủ thỉ của con với mẹ hiền. Một bài thơ trong sáng, hồn hậu của Ta-go nói về miền ấu thơ. Yêu thiên nhiên, sống hồn nhiên, thích phiêu lưu mạo hiểm, …là đời sống tinh thần và tâm hồn tuổi thơ. Em bé được nói trong “Mây và Sóng” rất yêu thương mẹ hiền.

Bài thơ hấp dẫn chúng ta ở những hình ảnh thiên nhiên chân thực, rất sinh động và đều mang ý nghĩa tượng trưng. Những thú vui trên mây, trong sáng tượng trưng cho bao cám dỗ trong cuộc đời. Còn trăng, biển, bến bờ kì lạ tượng trưng cho sự dịu hiền và tấm lòng bao dung của người mẹ. Tình mẫu tử đã hòa vào nhau, có khắp nơi trong vũ trụ và trở thành thiêng liêng, bất diệt.

“Mây và Sóng” không chỉ ca ngợi tình mẹ con thiêng liêng, cao cả. Đó còn là bài học trong cuộc đời mỗi con người. Trong cuộc sống, con người đều có thể gặp rất nhiều cám dỗ. Muốn vượt qua chúng phải có những điểm tựa vững chắc mà một trong những điểm tựa vững chắc nhất là tình mẫu tử. Bài thơ còn nhắc nhở chúng ta hạnh phúc không phải là những gì xa xôi huyền bí, hạnh phúc là sự tạo dựng tình cảm giữa con người với con người.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 77: Cảm nhận về bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go
Đánh giá bài viết