BÀI LÀM 

Ta-go là nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ, ông đã có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân loại. Thơ văn của ông lúc nào cũng mang đậm chất triết lí. Điển hình là tác phẩm “Mây và sóng” tuy ngắn gọn nhưng đã hàm ẩn những giá trị nhân sinh cao cả về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp.

Bài thơ là lời kể hồn nhiên, chân thành của em bé với mẹ và những cuộc đối thoại tưởng tượng giữa em và các nhân vật sống trên mây và sóng. Mặc dù người mẹ không trực tiếp xuất hiện nhưng lại chính là đối tượng để em bé bộc lộ tình cảm. Bài thơ gồm hai cảnh, cảnh một mây rủ em bé đi chơi xa, cảnh hai là lời mời gọi của sóng, ở cả hai cảnh này em bé từ chối thật khéo léo.

Hai câu thơ mở đầu cho hai cảnh thơ là không gian tượng trưng: trên mây và trong sáng, những khoảng không bao la, rộng lớn với muôn vàn điều thú vị đang chào đón, vẫy gọi em. Đây cũng chính là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những cám dỗ trong cuộc đời. Mỗi con người sinh ra và lớn lên không ai là không gặp những cám dỗ trong cuộc sống, đặc biệt là ở cái tuổi trẻ ham chơi như em bé trong bài thơ. Chỉ có một điều khác nhau là cách họ đối mặt với những cám dỗ đó. Trước những lời mời gọi đó, em bé cũng có chút tò mò: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”. Trong đầu em bỗng chốc cũng đã thoáng có ý định khao khát bay nhảy, vui chơi chốn nhộn nhịp đó nhưng rồi em chợt nhận ra: “Mẹ mình đang đợi ở nhà”. Mặc dù, mây đã tận tình chỉ dẫn: “hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”. Chú bé đã khéo léo khước từ lời mời đó vì chú biết rằng nếu vắng mình, mẹ sẽ buồn biết bao. Thay vào đó, em bé đã nghĩ ra trò chơi vô cùng thú vị để chơi cùng mẹ:

“Con là mây và mẹ sẽ là trăng 
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm”.

Nhân hóa mây và sóng thành con người, tác giả cũng có dụng ý nói lên sự hòa hợp, gắn bó giữa thiên nhiên và con người. Trong trò chơi này em bé được mẹ ôm ấp, được tiếp nhận ánh sáng diệu kì từ mẹ. Thú vị biết bao khi em hóa thành mây mà vẫn được gần mẹ, được chơi với mẹ.

Ở cảnh hai, vẫn lời mời đầy hấp dẫn ấy nhưng chỉ khác có điều là giờ đây là tiếng gọi của sóng xa chứ không phải là mây. Cuộc chơi này có lẽ thú vị hơn vì những người sống trong sóng sẽ đưa chú ra biển xa, những cơn sóng biển rì rào, bồng em lên trên mặt nước cũng giống như bàn tay mẹ vỗ về. Em bé cũng thích được đi chơi nên đã gặng hỏi: “Nhưng làm thế nào để mình ra ngoài đó được?”. Lại một lần nữa, chú bé phân vân: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?” Dù là sóng hay mây, dù có sức hút thế nào cũng không thể rủ em đi được. Em lại nhớ đến mẹ và rồi lại có một trò chơi mới: 

“Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, 
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ.
Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”.

Trò chơi này thể hiện tình yêu thương mẹ thắm thiết, nồng nàn của cậu bé. Em không những không phải rời xa mẹ mà còn được nằm trong lòng mẹ, cười vang. Câu thơ cuối bài khẳng định cho việc hai mẹ con cũng như con sóng kia, ở khắp mọi nơi, không ai có thể tách rời, chia cắt được tình mẹ đối với con và tình con đối với mẹ. Không ai có thể biết được mẹ con ta đang ở đâu trong đại dương bao la. Điều đó cũng thể hiện cho tình mẫu tử thiêng liêng hiện diện ở khắp mọi nơi và muôn đời bất diệt.

Người mẹ thật vĩ đại, được ví với trăng, với biển – đó là thiên nhiên lớn lao, là vũ trụ vĩnh hằng. Con là mây, là sóng bay cao, bay xa để hát lên những khúc ca tụng về mẹ. Mẹ đã trở nên bất diệt trong lòng con. Trước tình cảm yêu thương của mẹ, con lúc nào cũng nhỏ bé như chú chim non cần được che chở. Mặt khác, điều này còn thể hiện rằng trong cuộc sống không phải ai cũng có bản lĩnh và sự can đảm để đối mặt với những cám dỗ trong cuộc đời, chính những phút giây yếu lòng, chuẩn bị sa ngã hoặc đánh mất mình thì tình cảm ruột thịt, mà đặc biệt là tình mẫu tử đã trở thành điểm tựa vững chắc, đã kéo ta thoát ra được những cám dỗ đó. Chúng ta ai cũng khao khát hạnh phúc nhưng đừng chỉ mải mê tìm kiếm những hạnh phúc đâu xa mà quên mất những hạnh phúc chân chính, giản dị mà thiêng liêng ngay gần ta. Đây cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà Ta-go muốn gửi gắm.

Bài thơ còn độc đáo ở chỗ đây là hai mẩu đối thoại giữa em bé với mây và sóng nhưng không hề nhàm chán mà mang lại cảm xúc hết sức trong trẻo, hồn nhiên, làm dịu mát cho tâm hồn người đọc. Hẳn là người có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu trẻ thơ tha thiết mới sáng tạo được những vần thơ hay đến vậy. Mây và sóng là biểu tượng vĩnh cửu cho tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt, vĩnh hằng.

Bằng lối văn trong sáng, nhẹ nhàng tác giả đã đưa vào lòng người đọc cảm xúc mãnh liệt về tình mẫu tử, qua đó gửi gắm đến những bài học, những thông điệp quý báu về nhân sinh. Hãy trân trọng những hạnh phúc giản dị, rất đỗi bình thường nhưng vô cùng quan trọng ở quanh ta.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 76: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go
Đánh giá bài viết