BÀI LÀM

Tình cảm gia đình luôn là thứ thiêng liêng và quý giá nhất của mỗi con người. Đặc biệt, cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng con cái lớn khôn. Ba mẹ dạy ta biết nói, dạy ta những bước đi chập chững đầu đời. Tác phẩm “Nói với con” của Y Phương cũng là một khúc tâm tình của người cha dặn dò con, thể hiện lòng yêu thương con của người miền núi và mong ước thế hệ con cái phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ chính là tình yêu thương, chia sẻ, gắn bó và giáo dục cho con những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những người xung quanh con. Với thể thơ tự do phóng khoáng, cảm xúc chân thành, mộc mạc đã khiến cho tình cảm đó càng trở nên ấm áp và thân thiết. Y Phương đã gieo vào lòng người đọc chất liệu đời thường rất mực thiêng liêng.

Phần đầu bài thơ nói lên tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc của quê hương đối với con. Bốn câu đầu là những hình ảnh cụ thể về một không khí gia đình tràn đầy hạnh phúc mà ở đó cha mẹ luôn luôn chăm chút con, thể hiện niềm vui trên mỗi bước đi của con:

Chân phải bước tới cha 
Chân trái bước tới mẹ    
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.  

Đứa con là món quà lớn nhất mà cuộc sống ban tặng cho bố mẹ. Hằng ngày, bố mẹ luôn là người yêu thương con hết mực, bố mẹ luôn mong muốn nhìn thấy con khỏe mạnh, lớn lên từng ngày. Giai đoạn quan trọng nhất của mỗi trẻ thơ là chập chững bước đi và những tiếng nói bập bẹ đầu đời. Ấy thế mà lúc nào con cũng có cha mẹ ở bên, cổ vũ, nâng đỡ. Hình ảnh “chân phải “chân trái” “tiếng nói” “tiếng cười” bình dị, gần gũi biết bao nhiêu. Tác giả vẽ lên trước mắt người đọc đứa trẻ lên một lúc thì sà vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha. Một không gian ấm áp, hạnh phúc bao trùm lên từng câu thơ. Đó là tình cảm ruột thịt, là công lao trời bể lớn lao và thiêng liêng mà cha mẹ dành cho con cái, muốn người con luôn phải khắc cốt ghi tâm.

Y Phương tiếp tục ca ngợi tình làng nghĩa xóm luôn tha thiết, sâu đậm và nhắc nhở con phải luôn nhớ điều đó:

Người đồng mình yêu lắm con ơi 
Đan lờ cài nan hoa                       
Vách nhà ken câu hát                    
Rừng cho hoa                                
Con đường cho những tấm lòng.   

Y Phương đã miêu tả thật chân thực, sinh động cuộc sống lao động thật nghĩa tình và thơ mộng của “người đồng mình”.“Người đồng mình” là để chỉ những người vùng mình, miền mình, những người cùng sống trên một miền đất, quê hương, cùng dân tộc. Nhà thơ yêu cuộc sống lao động với những tài hoa của người dân quê mình. Lời thơ ngọt ngào, chan chứa niềm tự hào với tình yêu thương quê hương da diết. Cuộc sống lao động của người đồng mình được gợi lên qua những hình ảnh cụ thể: “Đan lờ cài nan hoa – vách nhà ken câu hát”. Với cách nói cụ thể này, nhà thơ vừa diễn tả rất đạt những động tác khéo léo trong lao động, vừa diễn tả được sự gắn bó và niềm vui của người dân tộc mình. Rừng núi quê hương ở đây cũng rất thơ mộng, nghĩa tình. Đây là nơi che chở, đùm bọc và nuôi dưỡng con người từ tình cảm đến lối sống: “Rừng cho hoa – con đường cho những tấm lòng”. Rừng không chỉ cho gỗ mà còn cho cả hoa. “Hoa” là sản phẩm của thiên nhiên, là những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất trên đời mà rừng núi ban tặng cho con người nơi đây. “Con đường” là sợi dây liên kết chặt chẽ của con người đồng mình. Những con người ấy đến với nhau bằng tấm lòng bao dung, vị tha. Đó là con đường mà ngày ngày họ băng qua, chính những con đường ấy đưa họ lại gần nhau hơn. Từ tình cảm quê hương, người cha nói về tình cảm riêng tư:

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới    
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời. 

Tình yêu của cha mẹ cũng nảy nở từ chính tình làng nghĩa xóm, từ tình đồng mình. Tình làng nghĩa xóm bất ngờ làm nên tình cảm gia đình. Chính vì thế, khi con người sống gắn bó với quê hương thì sẽ tìm được tình yêu, hạnh phúc riêng của đời mình. Cả đoạn thơ là những hình ảnh thân thương về sự đùm bọc và che chở của cha mẹ, quê hương đối với người con, là cái nôi nuôi dưỡng cả tâm hồn và thể chất của mỗi người.

Bài thơ còn ca ngợi những đức tính cao đẹp của người miền núi và thể hiện mong ước của người cha qua lời tâm tình với con.

Người đồng mình thương lắm con ơi 
Cao đo nỗi buồn                                 
Xa nuôi chí lớn                                   

“Người đồng mình” từ “yêu lắm con ơi” sang “thương lắm con ơi”. “Thương” là một trạng thái tình cảm không chỉ xuất phát từ trái tim yêu thương chân thành nữa mà còn gói ghém cả sự sẻ chia, đồng cảm ở trong lòng. Cách nói, cách nghĩ của người miền núi được thể hiện qua những dòng thô sơ, mộc mạc. Người đồng mình đã phải lam lũ vất vả làm việc, cũng chính vì làm việc mà đã hun đúc, nuôi dưỡng ý chí, nghị lực của con người, làm cho con người biết vượt qua mọi khó khăn. Niềm tự hào về con người quê hương gắn liền với những phẩm chất quý báu mà người cha muốn truyền cho con:

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn                     
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh           
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sống như suối                                  
Lên thác xuống ghềnh                                     
Không lo cực nhọc.                                         

Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể kết hợp với kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi sống vất vả, mạnh mẽ, khoáng đạt như thiên nhiên, bền bỉ gắn bó với quê hương dẫu quê hương còn gian khó. Điệp ngữ “sống” ba lần vang lên đã khẳng định một tâm thế, một bản lĩnh, một dáng đứng,… điều mà cha vẫn muốn, cha mong con, hi vọng ở con: sống có tình nghĩa, thủy chung với quê hương, đất nước, với dân tộc mình; biết chấp nhận, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin tất thắng. Con sẽ học được cách làm chủ bản thân, vững vàng trước sóng gió.

Bốn câu sau, cha đã chuyển từ giọng tâm tình nhắn nhủ sang giọng triết lí:

Người đồng mình thô sơ da thịt                      
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con                         
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục.                   

Nghệ thuật đối lập: thô sơ da thịt – nhỏ bé. Hình ảnh “thô sơ da thịt” diễn tả vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, chân chất, cái vẻ bề ngoài ấy do cuộc sống vất vả, lam lũ hun đúc nên. Nhưng họ lại không | hề nhỏ bé về tâm hồn mà rất giàu lòng tự trọng, giàu ý chí, niềm | tin cao đẹp với khát vọng dựng xây, phát triển quê hương. Để làm được điều đó, họ đã phải vất vả lao động: “đục đá”, họ làm công việc nặng nhọc đó với mong muốn phát triển quê hương. Hình ảnh “kê cao quê hương” còn là hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng cho lòng tự hào, tự tôn dân tộc của “người đồng mình”. Quê hương và những truyền thống tốt đẹp sẽ là nền tảng, là điểm tựa tinh thần vững chắc giúp con người vươn lên.

Kết thúc bài thơ người cha mong muốn con mình phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, lấy đó làm hành trang để vững bước vào đời. Lời nhắn nhủ và mong ước của người cha được thể hiện bằng những câu thơ ngắn gọn mà dứt khoát:

Con ơi tuy thô sơ da thịt     
Lên đường                           
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.                             

Lời cuối “nói với con” càng trở nên tha thiết. “Lên đường” là hình ảnh ẩn dụ để chỉ con đường đời, con đường đi tới tương lai, khi đó con phải thật mạnh mẽ, vững vàng, không được phép yếu mềm, buông xuôi trước cuộc đời. Phải biết giữ lấy cốt cách giản dị, mộc mạc của người lao động. Hai tiếng “nghe con” là cả một tấm lòng người cha bao la, đó cũng là niềm tin người cha dành cho con.

Bài thơ có bố cục chặt chẽ, lời dẫn dắt tự nhiên, mộc mạc; giọng điệu thiết tha, trìu mến, câu thơ dài ngắn khác nhau góp phần diễn tả cuộc sống, phong cách của người miền núi. Qua bài thơ, ta càng hiểu hơn về sức sống, vẻ đẹp đáng yêu và tâm hồn của một dân tộc, giúp ta càng thêm gắn bó với truyền thống, quê hương và có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 74: Phân tích bài thơ “Nói với con” của Y Phương
Đánh giá bài viết