I. MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ

1. Trong văn tự sự có cần các yếu tố miêu tả và biểu cảm không?

   Văn tự sự kể chuyện cuộc sống của con người. Cuộc sống ấy phải có đường nét, màu sắc và âm thanh,… – vì vậy cần phải có yếu tố miêu tả. Cuộc sống ấy là của con người, phải có những tình cảm, rung động, xúc động,… – vì vậy cần phải có yếu tố biểu cảm.

2. Miêu tả và biểu cảm là hai yếu tố thường có mặt trong các bài văn tự sự. Nhờ những yếu tố đó mà câu chuyện được kể trở nên rõ ràng, dễ cảm nhận và có sức truyền cảm mạnh mẽ hơn.

– Chú ý: Đây chỉ là những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự. Nó chỉ góp phần làm cho bài văn tự sự hay hơn chứ không biến bài văn tự sự thành bài văn miêu tả hay bài văn biểu cảm. Có nghĩa là nó vẫn phải có một chuyện kể dưới hình thức tự sự và người viết không được đưa vào bài mình nhiều câu hoặc đoạn văn miêu tả và biểu cảm đến mức nó lấn át hoặc phá vỡ cả cái khung của bài tự sự. Có thể thấy điều đó ở hai văn bản tự sự đã dẫn trong sách giáo khoa:

– Trích Những vì sao của A.Đô-đê (các em tự trả lời ba câu hỏi gợi ý trong sách)

– Trích Về dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam (các em chỉ ra những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn tự sự này và cho biết những yếu tố đó đã góp phần làm cho văn bản hay hơn như thế nào, tác giả đã đưa chúng vào bài văn tự sự khéo léo, nhuần nhị ra sao?)

II. QUAN SÁT, LIÊN TƯỞNG, TƯỞNG TƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC MIÊU TẢ VÀ BIẾU CẢM TRONG VĂN TỰ SƯ

1. Trước hết, các em cần hiểu rõ ba khái niệm quan sát, liên tưởng, tưởng tượng bằng việc suy nghĩ để điền đúng các từ đó vào chỗ trống trong các dòng đã cho sẵn của sách giáo khoa:

a) Liên tưởng: Từ sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ đến sự việc, hiện tượng có liên quan.

b) Quan sát: Xem xét để nhìn rõ, biết rõ sự vật hay hiện tượng.

c) Tưởng tượng: Tạo ra trong tâm trí hình ảnh của cái không hề có ở trước mắt, hoặc còn chưa hề gặp.

2. Sau đó, các em suy nghĩ để trả lời câu hỏi 2. và 3. (chú ý các gợi ý) để hiểu rõ hơn vai trò của quan sát, liên tưởng, tưởng tượng đối với việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự. (Đọc kĩ để tìm dẫn chứng minh họa trong bài văn tự sự của A. Đô-đê).

Từ đó, có thể rút ra kết luận:

Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người làm văn tự sự cần phải:

– Quan tâm tới con người, tới cuộc sống ở xung quanh và tới bản thân mình, để có thể tìm được những chất liệu cho miêu tả và biểu cảm.

– Luôn chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng, suy ngẫm, cảm xúc trước đời sống, và chăm chú lắng nghe những lay động mà sự vật, sự việc khách quan gieo vào trong tâm trí của mình.

III. LUYỆN TẬP

1. Nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả là yếu tố biểu cảm trong hai đoạn văn.

a) Chọn đoạn văn kể lại cuộc chiến đấu giữa Đăm Săn và Mtao Mxây trong sử thi Đăm Săn (trích đoạn Chiến thắng Mtao Mxây).

Thực hiện bài tập này qua hai bước:

– Đọc lại trích đoạn nói trên để tìm ra những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn tự sự này.

+ Chú ý các chi tiết miêu tả ngoại hình, quần áo, vũ khí… của Đàm ăn và Mtao Mxây, các hành động của hai nhân vật, đặc biệt là cảnh hai người múa khiên và cảnh Đăm Săn đuổi đánh và đâm chết Mtao Mxây.

+ Chú ý các chi tiết biểu cảm qua việc biểu hiện tâm trạng hai nhân vật (bằng ngôn ngữ và hành động), đặc biệt qua tâm trạng của Đăm Săn khi đến nhà Mtao Mxây để đánh kẻ thù; qua tâm trạng của tôi tớ Đăm Săn và tôi tới Mtao Mxây.

– Phân tích để thấy rằng những yếu tố miêu tả và biểu cảm đó đã góp phần làm cho câu chuyện kể thêm rõ ràng, sinh động, hấp dẫn người nghe, đặc biệt đã tôn cao vẻ đẹp của người anh hùng sử thi là Đăm Săn trong trích đoạn này.

b) Đoạn văn trích từ truyện ngắn Lẵng quả thông của nhà văn C. Pau-tốp-xki.

Cũng thực hiện bài tập này qua hai bước:

– Tìm ra những yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn văn: em bé có đôi bím tóc nhỏ xíu; trời đang thu và một màu vàng tuyệt đẹp trải ra trên khắp núi rừng.

– Nhận xét: Bím tóc nhỏ xíu của em bé là nhờ quan sát mà có, nó gợi lên vẻ đẹp xinh xắn, đáng yêu của em bé (vừa là yếu tố miêu tả, vừa có giá trị gợi cảm). Màu vàng của mùa thu vừa đẹp (miêu tả) lại vừa thơ mộng, đáng yêu (biểu cảm) vì tác giả vừa có con mắt quan sát tinh tế, lại có sự liên tưởng thật đẹp (giữa màu vàng của lá cây với màu vàng của những chiếc lá được tạo ra từ đồng và vàng). Những yếu tố miêu tả và biểu cảm ở đây đã làm cho đoạn văn tự sự sinh động và hấp dẫn. .

2. Viết một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm theo yêu cầu đã ghi trong sách giáo khoa.

   Các em có thể chọn một trong hai câu chuyện đã nêu để viết thành bài văn tự sự của mình. Trước khi viết, cần xác định rõ nội dung câu chuyện; từ nội dung đó, định ra các yếu tố miêu tả và biểu cảm sẽ sử dụng; vận dụng quan sát, liên tưởng và tưởng tượng để tạo ra được những hình ảnh, ch vừa cụ thể, sinh động lại gây được những rung động thẩm mĩ trong lòng người đọc (các chi tiết đó phải nhuần nhị, tự nhiên trong bài văn tự sự). Có thể học tập cách viết trong ba đoạn văn của A. Đô-đê, C. Pau-tốp-xki và Thạch Lam để viết bài văn tự sự về câu chuyện của mình.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 7: Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự
Đánh giá bài viết