BÀI LÀM 

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi đã để lại trong lòng người dân Việt Nam bao nỗi niềm tiếc nuối, thương nhớ. Sau này, khi miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình, những người con ở miền Nam đã ra thăm lăng Bác với lòng kính yêu. Trong số những người ra thăm ấy có nhà thơ Viễn Phương. Xúc động trước cảnh Bác nằm trong làng, nhà thơ đã viết bài thơ “Viếng lăng Bác” xuất phát từ cảm xúc tự đáy lòng mình trong thời khắc ấy.

Sau ngày Bác đi xa, “Viếng lăng Bác” là một trong những bài thơ đặc sắc nhất khi viết về Bác. Bài thơ diễn tả niềm kính yêu, sự xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với lãnh tụ bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu cảm xúc, sâu lắng. Đây không phải là “viếng Bác” mà là đến “thăm Bác”:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. 

Lời xưng hô con – Bác thân mật, gần gũi như những người thân trong gia đình, như cha với con. Lời xưng hô ấy là lời chào giới thiệu: Từ chiến trường miền Nam xa xôi nay con đã trở ra thăm Bác, mấy tiếng ấy bao hàm một nỗi đau và niềm tự hào. Miền Nam vừa trải qua cuộc chiến khốc liệt với sự ra đi đầy xót thương của biết bao người, họ đã xả thân vì đất nước, vì nền độc lập của dân tộc. Vì thế mà giọng thơ vừa đau đớn, vừa đầy tự hào. Con ra đây cũng là muốn mang câu chuyện miền Nam đã hoàn toàn giải phóng để khoe với Bác, để Bác cùng chia sẻ niềm vui với đồng bào miền Nam. Từ xa nhìn lại, nhà thơ đã nhìn thấy những rặng tre xanh như có cảm giác đang ở một vùng quê thân thuộc của Việt Nam:

Đã thấy trong sương hàng tre xanh bát ngát 
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam                   
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.                   

Tre từ lâu đã là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Hàng tre bát ngát – hàng tre xanh xanh – hàng tre Việt Nam. Những cây tre, hàng tre đứng thẳng hàng trong làn sương mỏng, thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện. Ôi! Là từ cảm thán, biểu thị niềm xúc động tự hào. Hàng tre như một biểu tượng của người dân Việt Nam với bao phẩm chất tốt đẹp: dẻo dai, đoàn kết, kiên cường, bất khuất, dù trải qua bao khó khăn gian khổ cuối cùng vẫn đứng hiên ngang trong bão táp mưa sa. Những hàng tre được trồng ở dọc đường vào lăng Bác cũng như muốn nói rằng, Bác cũng chính là một biểu tượng của con người Việt Nam, ở Bác hội tụ tất cả những nét đẹp, tất cả những phẩm chất cao quý và dù hoàn cảnh có thay đổi, Bác vẫn đứng đó hiên ngang, bất khuất. “Hàng tre xanh xanh” còn được tác giả nhân hóa, trải qua mưa sa bão táp vẫn đứng thẳng hàng như dáng đứng của con người Việt Nam.

Đến với Bác là hành trình trở về, trở về cội nguồn của chính mình, trở về những ngày tháng thanh bình, yên ả. Trước lăng Bác không phải là những đền đài hoành tráng, mĩ lệ mà lại là hàng tre mộc mạc, giản dị, khiến cho người ta phải xúc động, ngỡ ngàng, rơi nước mắt.

Sau đó là lúc xếp hàng để được vào lăng thăm Bác: dòng người chầm chậm bước đi. Bầu trời cao lồng lộng trên lăng, mặt trời tỏa sáng trên lăng, chân bước đi mà lòng họ nghĩ đến Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng 
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Điệp từ “ngày ngày” chỉ thời gian đều đặn như một vòng quay luân hồi của mặt trời thiên nhiên. Hai câu thơ sóng đôi, hô ứng với nhau bằng hình ảnh mặt trời. “Mặt trời” thứ nhất là mặt trời của thiên nhiên đang chiếu sáng, rọi vào trong lăng những ánh nắng ấm áp. “Mặt trời” thứ hai chính là hình ảnh ẩn dụ, mặt trời đó chính là Bác, mặt trời này “rất đỏ”. Điều này nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ: Bác cũng như mặt trời của thiên nhiên kia, mang lại sự sống, sự ấm áp cho mọi người, chiếu sáng tâm hồn con người. Bác mãi mãi đỏ thắm, mãi mãi là nguồn sáng soi đường cho con người Việt Nam. Mặt khác, điều này còn thể hiện sự tôn kính của nhân dân, của tác giả đối với Bác. “Mặt trời” ấy luôn tồn tại vĩnh cửu, bất diệt theo thời gian. Cùng với mặt trời ngày ngày đi qua trên lăng là:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ  
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Nhịp thơ chầm chậm như bước đi của con người, chậm rãi từng bước một để đến với Bác. Ngày nào cũng thế, những dòng người từ mọi miền Tổ quốc đã rủ nhau về đây thăm Bác, thành kính và nghiêm trang. Dòng người đông đúc chẳng khác nào tràng hoa. Biện pháp so sánh được tác giả sử dụng trong câu thơ vừa đẹp, vừa chính xác, lại mới lạ, thể hiện tình cảm thương nhớ, kính yêu và sự gắn bó của nhân dân đối với Bác. “Tràng hoa” chứ không phải là một “hàng hoa”, làm cho hình ảnh dòng người xếp hàng trải dài vô tận, không có điểm kết thúc. Dòng người đang đi là đang đi trong cuộc ngợi ca vinh quang của Bác. Đây là tràng hoa mà mỗi bông hoa, mỗi đóa hoa là hoa thật sự của đời, hoa đó là con người – mà do chính Bác đã tạo nên trong cuộc đời này.

Dòng người ấy dần đã tiến vào được đến trong lăng, được gần Bác. Đây chính là những phút giây nghẹn ngào nhất:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên.  
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền 
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi           
Mà sao nghe nhói ở trong tim!          

Không gian trong làng thật sự yên tĩnh, thiêng liêng và ánh sáng thanh khiết. Bác nằm với tư thế thanh thản và yên bình trong giấc ngủ. Nhà thơ dùng cách nói giảm nói tránh như muốn nói rằng: Bác chỉ ngủ thôi, Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim của mỗi người. Bác chỉ ngủ sau một chặng đời với bảy mươi chín mùa xuân chưa hề được nghỉ ngơi. Bác còn ngủ để bù lại quãng thời gian Bác ngày đêm làm việc lo cho dân, cho nước. Giờ đây, đất nước đã thống nhất, Bác mới có giấc ngủ bình yên. Vầng trăng trên kia đang canh cho giấc ngủ của Bác, bởi trăng đối với Bác từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết:

Trong tù không rượu cũng không hoa 
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ          
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ    
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.     

Hay:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi 
Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân.

Trăng đến với Bác mọi lúc, mọi nơi, khi nào Bác cần trăng đều xuất hiện kịp thời và cứ thế ở bên Bác mãi. Vầng trăng kia và Bác có sự giao hòa với nhau, trăng và Bác đều có tâm hồn trong sáng, thanh cao, đều tượng trưng cho hòa bình. Nhà thơ còn ví Bác như “trời xanh” cao rộng, gợi ra sự trường tồn vĩnh cửu, Bác hóa thân vào non sông, đất nước, sánh ngang cùng trời đất, sống mãi trong lòng người. Cặp từ “vẫn biết – mà sao” cho thấy lí trí, tâm tưởng luôn khẳng định rằng Bác vẫn còn sống nhưng trở lại hiện thực Người đã đi xa mãi mãi. Một từ “nhói” nói hộ nỗi đau đớn, nỗi đau vượt lên trên mọi lí lẽ, mọi lập luận của lí trí. Bác mãi hiện diện trong mỗi phần đất, mỗi phần quả, mỗi phần tử tạo nên trái đất này.

Nghĩ ngày mai trở về, phải xa Bác, nhà thơ lại thấy buồn, xúc động, lưu luyến không muốn xa rời. Dòng cảm xúc ấy tự nhiên, chân thành, tuôn trào thành giọt nước mắt để rồi nhà thơ bày tỏ ước nguyện của mình:

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây   
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.   

Trước sự lưu luyến, buồn thương, nhà thơ muốn làm “con chim hót”, “muốn làm đóa hoa”,“muốn làm cây tre trung hiếu” để được đền ơn đáp nghĩa Người. Điệp từ “muốn” nhấn mạnh khát vọng mãnh liệt của con người ấy, muốn được hóa thân vào thiên nhiên, muốn được dâng hiến của cuộc đời mình cho Bác, cũng như cho cả dân tộc. Muốn làm chú chim cất cao giọng hót, làm vui mỗi ngày cho Bác, muốn làm đóa hoa tỏa hương thơm mát quanh Bác mỗi ngày, muốn làm cây tre tỏa bóng mát dịu dàng, để bảo vệ cho nơi Bác nằm. Chân bước đi mà mặt còn ngoảnh lại, không muốn rời xa. Một sức mạnh vô hình mãnh liệt níu kéo lòng ta ở lại.Bầu trời xanh kia cũng như núi sông, đất nước này sẽ là mãi mãi, Bác Hồ cũng sẽ còn mãi như vậy với đất nước, với dân tộc.

Mạch cảm xúc của bài thơ được diễn tả theo trình tự thời gian diễn ra hoạt động vào lăng viếng Bác của nhân vật trữ tình: từ xa nhìn về lăng – đứng trước lăng – vào lăng – chuẩn bị chia xa. Tâm trạng và thái độ của nhà thơ cũng thay đổi theo: nỗi xúc động hồi hộp khi chuẩn bị bước vào lăng – sự choáng ngợp khi đứng trước lăng – nghĩ về tầm vóc vĩ đại của vị lãnh tụ – cảm giác gần gũi, thân thiết và nỗi đau mỗi khi vào trong lăng – nỗi buồn thương và ước nguyện chân thành khi chuẩn bị rời xa Bác.

Bằng giọng thành kính, tha thiết, trang trọng, sâu lắng, tác giả đã thể hiện niềm tự hào, biết ơn pha lẫn nỗi xót xa. Nỗi tiếc thương khôn nguôi trong lòng nhà thơ. Tâm tình của nhà thơ cũng là của mỗi người Việt Nam, và của cả dân tộc.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 69: Phân tích bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương
Đánh giá bài viết