BÀI LÀM 

Bác Hồ là người cha già của dân tộc, sự ra đi của Bác đã để lại trong lòng người dân Việt Nam bao tiếc nuối, xót xa. Chứng kiến cảnh Bác nằm yên giấc ngủ ngàn thu trong lòng mà ai cũng xúc động, rưng rưng. Đó cũng chính là cảm xúc của Viễn Phương khi từ miền Nam xa xôi trở ra thăm Bác được thể hiện trong bài “Viếng lăng Bác”.

Cảm hứng bao trùm toàn bộ tác phẩm là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi đau xót khi tác giả bước tới lăng. Cảm hứng ấy đã chi phối giọng điệu của bài thơ. Đó là giọng thành kính, trang nghiêm phù hợp với không khí thiêng liêng ở lăng, nơi vị lãnh tụ yên nghỉ. Cùng với giọng suy tư, trầm lắng là nỗi đau xót xen lẫn niềm tự hào.

Đây không chỉ là tình cảm của riêng Viễn Phương mà đó là tình cảm chân thành, giản dị của đồng bào miền Nam muốn nhắn gửi, nhờ Viễn Phương nói hộ cùng Bác:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác       
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát. 

Câu thơ với hình thức là lời thông báo nhưng lại gợi tâm trạng xúc động của một người từ chiến trường miền Nam gian khổ nay mới có cơ hội ra thăm Bác. Đại từ “con” thể hiện sự gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thương, bởi Bác là người cha già của dân tộc, yêu thương đồng bào như chính những người con của mình. Người con ấy đến “thăm” Bác chứ không phải là “viếng” làm giảm nhẹ đi nỗi đau thương mất mát, Bác vẫn còn ở đấy, vẫn sống mãi trong trái tim những người con đất Việt. Trước mắt tác giả lúc này là những “hàng tre xanh bát ngát”. Hình ảnh hàng tre vừa mang tính chất tượng trưng, giàu ý nghĩa liên tưởng. Tre là biểu tượng của làng quê Việt Nam, đất nước Việt Nam. Tre mang biểu tượng của tâm hồn thanh cao, sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc. Những hàng tre ấy dù “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”, đó cũng chính là ý chí kiên cường, bất khuất của chính con người Việt Nam.

Khi đứng trước lăng Người, tác giả còn thể hiện sự tôn kính:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng            
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ              
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ  
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Mở đầu khổ thơ là một cặp câu với những hình ảnh thực và ẩn dụ sóng đôi: một mặt trời thiên nhiên rực rỡ, vĩnh hằng ngày ngày chiếu sáng rọi trên lăng và một mặt trời là ánh sáng của Bác, Bác mang lại ánh sáng cho cả dân tộc. Đó không phải là ánh sáng tàn hiu hắt cuối ngày, mà là ánh sáng rất đỏ” gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của Bác. Thông qua hình ảnh ẩn dụ đó tác giả đã nói lên sự vĩ đại của Bác, vừa thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ với Bác. Để thể hiện niềm tôn kính đó, ngày ngày dòng người đi trong nỗi xúc động, bồi hồi, trong lòng tiếc thương kính cẩn, trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ thương. Nhịp thơ chậm thể hiện nỗi xúc động đang trào dâng trong lòng. Dòng người đó kết thành “tràng hoa” vô tận, cuộc đời họ đã được nở hoa dưới ánh sáng của Bác, và rồi giờ đây họ mang những thành quả, những đóa hoa đẹp nhất đến để cảm ơn Người. Dâng “bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng: Bác đã sống một cuộc đời thật đẹp như những mùa xuân và đã làm nên những mùa xuân cho đất nước, cho con người. 

Từ niềm biết ơn thành kính, tác giả đã chuyển sang niềm xúc động nghẹn ngào khi nhìn thấy Bác nằm ở đó, trong căn phòng lạnh lẽo:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên    
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền 
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi           
Mà sao nghe nhói ở trong tim!          

Cả đời Bác đã vất vả lo cho nước, cho dân, có lẽ đây mới là lúc Bác được nghỉ ngơi thật sự, Bác ngủ giấc bình yên mà không còn vướng bận điều gì. Trong giấc ngủ của Bác có ánh trăng dịu hiền sưởi ấm. Trước kia, những vần thơ của Bác tràn đầy ánh trăng, trăng đã từng cùng Bác vào nhà lao, trên chiến trận, giờ đây lại đến để mang cho Bác giấc ngủ ngàn thu, trăng là người bạn tri kỉ của Người. Với hình ảnh trăng nhà thơ còn muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Hình ảnh vầng trăng “dịu hiền” gợi cho ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Bác. Người có lúc như mặt trời ấm áp, có lúc dịu hiền như ánh trăng rằm. Đó cũng là sự biểu hiện rực rỡ, vĩ đại, cao siêu của con người và sự nghiệp của Bác.

Tâm trạng xúc động của nhà thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu xa: “vẫn biết trời xanh là mãi mãi” Bác đã hóa thân vào thiên nhiên bất diệt, sống mãi trong sự nghiệp và tâm trí của nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao. Dù tự nhủ lòng như thế nhưng vẫn không thể thôi đau xót trước hiện thực không thể thay đổi được, ấy là Người đã ra đi mãi mãi, chính vì thế mà trong lòng nhói lên niềm đau: “Mà sao nghe nhói ở trong tim” Nỗi đau quặn thắt, tê tái trong đáy sâu tâm hồn như hàng nghìn mũi kim đâm vào trong trái tim thổn thức khi đang đứng trước thi thể của Bác. Đó cũng là nỗi đau chung của cả dân tộc.

Sang khổ thơ thứ tự chuyển thành tình cảm lưu luyến của nhà thơ, nhà thơ muốn ở bên Bác mãi mãi, chẳng muốn rời xa:

Mai về miền Nam thương trào nước mắt 
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác  
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây     
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.     

Lời giã biệt diễn tả tình cảm sâu lắng, cảm xúc mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn xa Bác. Đó là tâm trạng của muôn triệu con tim bé nhỏ cùng chung nỗi đau, chung niềm mong ước với tác giả bởi nơi này ấm áp quá, yên bình quá. Rồi đó là ước nguyện hóa thân vào cảnh vật được ở bên Bác mãi: muốn làm con chim, làm nhành hoa, làm cây tre để mang lại những âm thanh của thiên nhiên đẹp đẽ, trong lành; để tỏa hương thơm thanh cao nơi Bác yên nghỉ; để bảo vệ, canh giữ giấc ngủ yên bình cho Bác. Những ước muốn có vẻ vô lí nhưng lại thật hợp lí và chân thành. Chỉ cần được ở bên người, đứa con nhỏ này sẽ nguyện làm tất cả. Hình ảnh “tre” mở đầu cũng như kết thúc bài thơ thật khéo léo.

Bài thơ giàu chất suy tưởng và chất trữ tình đằm thắm, diễn tả niềm xúc động, thành kính. Cảm xúc của bài thơ được cộng hưởng với tình cảm thiêng liêng Bác dành cho nhân dân miền Nam và tình cảm của cả dân tộc đối với Người. Nhà thơ đã nói hộ những tình cảm của chúng ta, của dân tộc gửi tới vị cha già kính yêu. Đó không phải là nỗi đau xót mềm yếu, trái lại nó là động lực thúc đẩy con người tiếp bước phấn đấu đi lên để không phụ công gây dựng đất nước của Bác.

Chính vì thế bài thơ vẫn sống mãi trong lòng người đọc cũng như hình ảnh Bác Hồ vẫn đang sống mãi trong hàng triệu trái tim con người Việt Nam. Đến nay, khi đọc bài thơ vẫn còn những niềm rưng rưng xúc động như mới hôm qua.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 68: Cảm nghĩ của em về bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương
Đánh giá bài viết