BÀI LÀM 

Ai sống trên đời chắc hẳn cũng ấp ủ trong mình một ước mơ, đó có thể là ước mong dành riêng cho bản thân, hay cho gia đình, có những người lại gửi gắm những ước vọng cho quê hương, đất nước. Còn đối với Thanh Hải, trước mùa xuân tươi đẹp của đất trời, ông luôn khát khao được dâng hiến cho quê hương, cho đất nước. Điều đó được thể hiện trong ba khổ cuối bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.

Từ cảm xúc về mùa xuân, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của mình về lẽ sống, về ý nghĩa giá trị cuộc đời mỗi con người. Đó là ước nguyện:

Ta làm con chim hót      
Ta làm một nhành hoa   
Ta nhập vào hòa ca        
Một nốt trầm xao xuyến. 

Có sự chuyển đổi đại từ xưng hô từ “tôi” sang “ta” thích hợp với sự chuyển biến của cảm xúc và tư tưởng trong bài thơ. “Tôi” là một cái tôi cụ thể, rất riêng của nhà thơ chuyển sang “ta” tạo được sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước. Đó không phải là ước muốn của riêng tác giả mà là ước mơ chung của tất cả mọi người, ông chỉ là người nói hộ lời của họ. Cái “ta” đã thay thế cho nhiều cái “tôi” khác.

Ở đây, tác giả đã thể hiện tâm nguyện thiết tha gắn bó, dâng hiến cuộc đời mình cho cuộc đời chung. Ước nguyện được trở thành con chim hót để gọi mùa xuân về, để cất cao giọng ca, mang lại niềm vui cho mọi người, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nếu không có giọng hót líu lo của những chú chim đáng yêu. Rồi ước làm “nhành hoa” để tô điểm cho cuộc sống, khoe sắc, tỏa hương, mang lại cuộc sống muôn màu với những điều thú vị đến cho cuộc đời. Cuộc sống sẽ vô cùng nhạt hòa nếu không có những sắc màu tươi đẹp của những đóa hoa ngát hương. Đó là những điều nhỏ nhặt nhưng lại không thể thiếu vắng trong cuộc đời này. Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời    
Dù là tuổi hai mươi       
Dù là khi tóc bạc.          

Lời thơ tâm tình, da diết. Mỗi con người là một tế bào của xã hội, mỗi con người là “một mùa xuân nho nhỏ” góp phần làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Mỗi người chỉ cần làm một việc nhỏ bé, góp lại sẽ trở thành việc vĩ đại cho đất nước. Triết lí sống của Thanh Hải thật đơn giản, ông đã sống một cuộc đời bình dị nhưng đó là một cuộc sống có ý nghĩa với những đóng góp cho cách mạng, đất nước; ông quan niệm sống là phải cống hiến bởi “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Lời phát biểu về ước nguyện của nhà thơ thật giản dị, chân thành, khiêm tốn nhưng vô cùng mãnh liệt. Bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác, khát vọng cống hiến đã làm cho cuộc đời con người trở nên có ý nghĩa hơn. Biện pháp nghệ thuật điệp ngữ đã làm cho âm điệu thơ tha thiết, sâu lắng, gợi lên bao nỗi niềm xúc động trong lòng người đọc. Khổ thơ cuối là khúc đồng ca của nhà thơ về quê hương, đất nước:

Mùa xuân – ta xin hát             
Câu Nam ai, Nam bình           
Nước non ngàn dặm mình trở 
Nước non ngàn dặm tình         
Nhịp phách tiền đất Huế.         

Cả khổ thơ bừng dậy tràn đầy niềm vui của Thanh Hải. Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng. Phách tiền là một loại nhạc cụ để điểm nhịp cho lời. Tác giả muốn hát lên khúc ca ca ngợi đất nước bao la, tươi đẹp “nước non ngàn dặm mình? “nước non ngàn dặm tình” 

Như vậy, với Thanh Hải, “Mùa xuân nho nhỏ” là mùa xuân của con người hòa vào mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, thể hiện niềm thiết tha với cuộc sống, ở sự chân thành được cống hiến những giá trị tốt đẹp của mình đến cho đời. Con người ấy muốn dâng nguyện mùa xuân nhỏ của đời mình vào mùa xuân lớn một cách lặng lẽ, khiêm nhường.

Nguồn website giaibai5s.com    

Bài 66: Những ước vọng nào đã được Thanh Hải gửi gắm trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”
Đánh giá bài viết