BÀI LÀM 

Mùa xuân từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca. Ta có thể bắt gặp hình ảnh mùa xuân qua:

Nghe tiếng xuân trong bầy chim núi .
Nghe tiếng xuân trong bầy quạ kêu    
Thấy mùa xuân qua cơn bão tuyết      
Và khi ngày ngắn trở nên dài.             

Còn đối với Thanh Hải, ông cũng viết về mùa xuân, nhưng cảm nhận bằng những giác quan và hình ảnh khác. Điều này được thể hiện trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” mà đặc biệt là ở trong hai khổ thơ đầu:

Mọc giữa dòng sông xanh 
Một bông hoa tím biếc đi   
Ơi con chim chiền chiện     
Hót chi mà vang trời           
Từng giọt long lanh rơi        
Tôi đưa tay tôi hứng.            

Mùa xuân người cầm súng    
Lộc giắt đầy trên lưng           
Mùa xuân người ra đồng       
Lộc trải dài nương mạ           
Tất cả như hối hả                    
Tất cả như xôn xao…               

Hai khổ thơ này tác giả đã miêu tả bức tranh mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước. Khung cảnh mùa xuân dần dần hiện ra với một vẻ đẹp bình dị, đơn sơ nhưng cũng không kém phần nên thơ và sâu sắc. Tác giả đã đi vào miêu tả những hình ảnh quen thuộc của vùng quê Việt Nam – đó chính là dòng sông:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc. 

Xuân về thật bất ngờ, khiến tác giả cũng phải giật mình, thảng tốt. Sống là hình ảnh quen thuộc của làng quê, sông gắn liền với tuổi thơ. Xuân không rực rỡ như những đào, những mai mà xuân đến nơi nét thanh tao của “một bông hoa tím biếc” nổi bật giữa dòng sông. Dòng sông Hương nơi quê hương Thanh Hải là một con sông nổi tiếng, quanh năm xanh ngắt với muôn vàn vẻ đẹp, mà đẹp nhất là vào mùa xuân. Thanh Hải đã điểm xuyết cho bức tranh mùa xuân của mình một nét “tím biếc” vô cùng độc đáo, có hồn bởi màu tím biếc. Một màu tím hiện lên giữa màu xanh, đó là hình ảnh của một vẻ đẹp nổi bật nhưng không rực rỡ mà nên thơ, nhẹ nhàng, hài hòa. Một bông hoa thật nhỏ, thật xinh nhưng dường như vẫn có đủ khả năng để nhuộm tím cả một vùng trời. Xuân đến không chỉ bằng màu sắc mà còn mang lại cả âm thanh sôi nổi, vang động: 

Ơi con chim chiền chiên
Hót chi mà vang trời.     

Chim vui ca như chào mùa mới, một sức sống mới lại bắt đầu nảy nở. Chim như cũng vui theo niềm vui của con người, cứ líu lo đua nhau hót như thể hiện niềm vui tươi, phấn khởi. Con chim chiền chiện hót vang cả đất trời, khoảng trời ấy là khoảng không gian riêng trong tâm hồn tác giả, dường như chỉ có mình tác giả mới cảm nhận và nghe thấy được mà thôi. Ấy thế mà tâm hồn đó lại trở nên dễ thương đến kì lạ. Mùa xuân không chỉ được cảm nhận qua thị giác, thính giác mà còn được cảm nhận cả qua xúc giác:

Từng giọt long lanh rơi 
Tôi đưa tay tôi hứng.     

Những giọt long lanh đang nhẹ nhàng rơi xuống bàn tay nhỏ xinh của nhà thơ. “Giọt” có thể là giọt sương, giọt mưa xuân, giọt hạnh phúc hay đó là giọt tiếng chim mà tác giả đang cảm nhận được. Thông thường, người ta cảm nhận tiếng chim bằng thính giác nhưng ở đây, điều đặc biệt là nhà thơ lại cảm nhận thông qua xúc giác. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng thật tài tình, dường như tác giả đang “say”, say trước vẻ đẹp của thiên nhiên tươi đẹp. Tác giả đang chìa tay ra hứng lấy những “lộc” mà mùa xuân đem lại.

Với vài ba nét phác họa, Thanh Hải đã vẽ nên bức tranh mùa xuân làm say đắm lòng người, vẻ đẹp tao nhã lại đầm ấm. Ở khổ thơ tiếp, vẫn là những vần thơ giản dị, tuyệt vời, tác giả đi vào miêu tả mùa xuân cách mạng của đất nước. Mùa xuân ấy ai cũng hối hả với công việc:

Mùa xuân người cầm súng 
Lộc giắt đầy trên lưng        
Mùa xuân người ra đồng    
Lộc trải dài nương mạ.       

Dường như mùa xuân trải dài khắp mọi nơi, mùa xuân len lỏi vào từng địa điểm. Trước tiên, đó là mùa xuân của những người đang ngày đêm vất vả cầm súng chiến đấu. Hình ảnh “lộc” là những chồi non mới mẻ, non tơ, là sức sống mới. Lộc ở đây còn là biểu hiện của những thành quả cách mạng mà những người chiến sĩ gặt hái được. Điều này hứa hẹn về một tương lai tươi sáng của dân tộc, một tương lai quét sạch ngoại xâm trên đất nước.

Với những người lao động sản xuất “lộc” tượng trưng cho thành quả lao động, là sự ấm no, được mùa của công việc sản xuất. Mọi người tham gia vào sản xuất đều mong muốn có được một mùa màng bội thu, họ đều mong mình có thể cống hiến hết sức và tài để lao động xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Hoạt động chiến đấu và sản xuất là hai hoạt động song song nhau, phải được thực hiện đồng thời gắn liền với công cuộc đấu tranh chống Mĩ ở miền Nam và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Tác giả đã nêu bật được nhiệm vụ của toàn quân và dân ta lúc bấy giờ. Bởi vậy mà tất cả mọi người đều “hối hả? “xôn xao” ra sức thực hiện nhiệm vụ sao cho có thể đạt kết quả cao, mang về thắng lợi cho toàn dân.

Bài thơ được viết trong lúc tác giả đang đối mặt với bệnh tật, đối mặt với cái chết, vậy mà nhà thơ vẫn hướng tới một mùa xuân tươi trẻ, tràn đầy sức sống, thể hiện tâm hồn lạc quan, yêu đời, niềm khát khao cuộc sống vô bờ của tác giả.

Như vậy, trong cảm nhận của Thanh Hải, mùa xuân đã về trên mọi miền quê hương, mùa xuân tràn đầy sức sống và hứa hẹn nhiều điều ở một tương lai tươi mới, tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người.

Nguồn website giaibai5s.com    

Bài 65:Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải
Đánh giá bài viết