BÀI LÀM 

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” Nguyễn Quang Sáng đã làm nổi bật lên tình cha con sâu sắc, tình cảm cha con bị chia rẽ bởi chiến tranh ác liệt. Ông Sáu hiện lên là người có tình yêu con sâu nặng.

Ông Sáu là một nông dân Nam Bộ giàu lòng yêu nước đã tham gia hai cuộc kháng chiến (đánh Pháp và đánh Mĩ), và đã anh dũng hi sinh. Ông Sáu là một người cha hi sinh cả cuộc đời để gìn giữ tình cha con bất diệt. Vì cuộc chiến đấu chung của dân tộc, ông Sáu đã mang về sẹo trên mặt, đã hi sinh cả vẻ đẹp của một thời trai trẻ. Đấy là nỗi đau thể xác. Mấy ngày về thăm nhà, ông lại phải trải qua nỗi đau về tinh thần: đứa con gái duy nhất ông hằng mong nhớ, không chịu nhận ông cha, không một lời gọi ba. Cho đến phút cuối cùng trước lúc chia tay, ông mới được hưởng hạnh phúc của người cha. Nhưng phút ấy ngắn ngủi quá. Để rồi cuối cùng ông vĩnh viễn phải xa con. Ông đã ngã xuống lặng thầm mà không một lời trăng trối, không một nấm mồ, không bia mộ…

Ông Sáu được kháng chiến cho về nghỉ phép về thăm gia đình sau thời gian dài phục vụ trong quân đội, ông được gặp lại gia đình và đứa con gái thân yêu, khi ông ra đi nó vẫn còn hơn một tuổi, lần trở về lần này không tránh được những phút giây bỡ ngỡ, hồi hộp. Gặp lại con sau nhiều năm xa cách với bao nỗi nhớ thương nên ông Sáu không kìm được nỗi vui mừng trong phút đầu nhìn thấy đứa con. Ông vừa bước, vừa khom người đưa tay chờ đón con, có lẽ ông rất vui, rất xúc động và hạnh phúc, tin rằng đứa con sẽ đến với mình. Nhưng bé Thu đã từ chối, chạy và kêu thét lên gọi má. Ông Sáu vô cùng buồn bã, thất vọng, đau đớn.

Trong hai ngày phép ngắn ngủi, ông Sáu không đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà với con, chăm sóc con nhưng bé Thu không nhận cha khiến ông vô cùng buồn… nhưng ông sẵn lòng tha thứ cho con. Tình yêu thương của người cha dành cho con trở nên bất lực khi ông Sáu đánh con bé một cái vào mông vì nó đã hất miếng trứng cá mà ông gắp ra khỏi bát cơm làm cơm văng tung toé… Bom đạn giặc đã làm thay đổi hình hài ông. Vết thẹo dài trên má phải – vết thương của chiến tranh – đã làm cho đứa con gái thương yêu, bé bỏng không nhận ra bóng dáng người cha nữa.

Hết thời gian nghỉ phép, ông Sáu phải lên đường ra tiền tuyến. Khi ông Sáu sắp đi bỗng nghe tiếng “ba” phát lên, bé Thu nhất quyết không chịu cho ba đi. Giọt nước mắt đã lăn trên má ông Sáu. Đó là giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc của một người cha.

Tình cảm của ông Sáu đối với con đã được thể hiện phần nào trong chuyến về phép thăm nhà, nhưng biểu hiện tập trung và sâu sắc nhất ở phần sau của truyện, khi ông Sáu ở trong rừng khu căn cứ.

Ông Sáu đã quyết làm chiếc lược ngà để tặng cho con. Kiếm được khúc ngà, ông vui như vớ được vàng, rồi để hết tâm trí, sức lực vào làm cây lược. Đây không chỉ là cây lược xinh xắn và quý giá mà đó còn là sự kết tụ tất cả tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, sâu sa, đơn sơ mà kì diệu làm sao. Cây lược ngà ấy chưa chải được tóc của con nhưng phần nào gỡ rối được tâm trạng ông. Nó trở thành vật thiêng liêng, an ủi ông, nuôi dưỡng tâm tình cha con và sức mạnh chiến đấu. Chiếc lược mỗi ngày một đẹp lên, trắng ngà, tỏa sáng lung linh. Đó là biểu tượng trắng trong, quý giá, bất diệt của tình cha con giữa ông Sáu và bé Thu. Chiếc lược nhỏ bé mà thiêng liêng đã làm dịu đi nỗi ân hận và ánh lên niềm hi vọng khắc khoải sẽ có ngày ông Sáu gặp lại con, sẽ trao tận tay kỉ vật cho con.

Nhưng tình cảnh thật đáng thương, ông Sáu chưa kịp trao món quà cho con thì đã ra đi mãi mãi trong một trận càn. Trước khi ra đi, ông vẫn nhớ chiếc lược, ông trao nó cho người bạn để có thể giúp mình chuyển đến đứa con. Đây là ước nguyện cuối cùng của ông, ước nguyện về tình phụ tử. Đó là điều trăng trối không lời, rõ ràng và thiêng liêng hơn cả một bản di chúc.

Hình ảnh ông Sáu, hình ảnh người cha trong truyện “Chiếc lược ngà” sâu nặng về tình cha – con. Chiếc lược ngà với dòng chữ mãi mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, về bi kịch đầy máu và nước mắt đã để lại nhiều ám ảnh bị thương trong lòng người đọc. Ông Sáu là người lính của một thế hệ anh hùng đi trước mở đường, đã nếm trải nhiều thử thách, gian khổ và hi sinh để đánh đổi bình yên cho Tổ quốc.

Nguồn website giaibai5s.com    

Bài 60: Phân tích hình ảnh ông Sáu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
Đánh giá bài viết