I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

Sử thi Ra-ma-ya-na

   Ra-ma-ya-na là một trong hai sử thi Ấn Độ nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng, lâu bền trong văn học, văn hóa không chỉ của dân tộc Ân mà còn của nhiều nước Đông Nam Á. Hình thành và được bổ sung, trau chuốt trong khoảng từ thế kỉ III trước Công nguyên đến thế kỉ II bởi nhiều thế hệ tu sĩ – thi nhân, Ra-ma-ya-na đạt đến hình thức hoàn thiện cuối cùng nhờ đạo sĩ Van-mi-ki. Tác phẩm bao gồm 24.000 câu thơ đôi (một câu thơ đôi gồm hai dòng thơ).

   Ra-ma-ya-na là câu chuyện về những kì tích của Ra-ma, hoàng tử trưởng của nhà vua Đa-sa-ra-tha. Lẽ ra chàng được truyền ngôi báu, nhưng do lòng đố kị của thứ phi Ke-key-i, chàng bị đày ải vào rừng 14 năm. Vợ chàng, Xi-ta, cùng người em trai Lak-ma-na, đã tình nguyện theo Ra-ma chịu lưu đày. Khi thời hạn lưu đày sắp hết thì xảy ra một tai biến lớn. Xi-ta bị quỷ Ra-va-na bắt cóc, bay về đảo Lan-ka. Được vua khỉ Xu-gri-va, tướng khỉ Ha-nu-man và đoàn quân khỉ giúp sức, Ra-ma đã hạ thủ Ra-va-na, giải cứu Xi-ta. Vợ chồng gặp lại nhau, nhưng Ra-ma lại nghi ngờ Xi-ta không còn trọn vẹn danh tiết đã tuyên bố ruồng bỏ nàng. Xi-ta thanh minh không được, đành bước lên giàn hỏa thiêu. Thần Lửa đã cứu nàng, đem trả lại cho Ra-ma. Anh hùng Rama cùng người vợ thủy chung Xi-ta quay trở về kinh đô, cai quản đất nước, muôn dân được sống trong thái bình, thịnh trị.

   Hơn hai ngàn năm qua, những nhân vật lí tưởng như Ra-ma, Xi-ta, Lakma-na, Ha-nu-man,… luôn luôn sống trong lòng nhân dân Ấn Độ và nuôi dưỡng tinh thần, đạo đức dân tộc Ấn Độ, như người Ấn Độ vẫn hằng tin rằng: “Chừng nào sông chưa cạn, núi chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn làm say đắm lòng người và cứu vớt họ thoát khỏi tội lỗi”.

Đoạn trích Ra-ma buộc tội

   Đoạn trích thuộc khúc ca VI, chương 79 của sử thi Ra-ma-ya-na. Đây là lúc Ra-ma tấn công đảo Lan-ka, hạ thủ Ra-va-na, giải cứu được Xi-ta. Vợ chồng gặp lại nhau, nhưng Ra-ma lại nghi ngờ và buộc tội Xi-ta không còn giữ được trọn vẹn danh tiết của một người vợ thủy chung. Ngoài một số câu kể chuyện, đoạn trích chủ yếu là lời đối thoại của hai nhân vật chính: Ra-ma buộc tội vợ và Xi-ta thanh minh cho mình. Các em cần chú ý đọc đúng và diễn cảm hai lời đối thoại này để nhận ra phẩm chất và tính cách của hai nhân vật trong hoàn cảnh thử thách ngặt nghèo này. Từ đó có thể đi vào tìm hiểu và trả lời từng câu hỏi trong sách giáo khoa.

1. Sau chiến thắng, Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau không phải trong một không gian riêng tư mà trong một không gian công cộng, trước sự chứng kiến của “mọi người”. Công chúng đó bao gồm nhiều đối tượng như những chứng nhân cho cuộc gặp lại đó.

a) Anh em bạn hữu của Ra-ma như Lak-ma-na, Ha-nu-man,…

b) Quân đội của loài khỉ Va-na-ra.

c) Quan quân, dân chúng của loài quỷ Rak-sa-xa.

Có thể thấy điều đó ở nhiều chỗ trong đoạn trích: “Vào lúc đó, chẳng có ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma…”; “… các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương. Cả loài Rak-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cùng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó.”

   Hoàn cảnh ấy đã có tác động đến tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của Rama và Xi-ta. Trong một không gian công cộng có đông đủ mọi người chứng kiến như thế cả Ra-ma và Xi-ta buộc phải nói sao cho không chỉ người đối thoại hiểu ý mình mà cả những người chứng kiến cũng hiểu rõ ý mình – mà đây chính là phẩm chất, danh dự, lòng tự trọng, lòng chung thủy của con người. Ngôn ngữ đối thoại, do đó, có sự kết hợp giữa tình cảm và lí trí, giữa những đau xót đang diễn ra với lí tưởng mà họ ôm ấp, phụng thờ – và ở mặt thứ hai này dường như được coi trọng hơn, nổi bật hơn. Cần nhận rõ tâm trạng của nhân vật:

– Ra-ma: “… lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác…”

– Xi-ta: “… Gia-na-ki đau đớn đến nghẹt thở… Nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối… bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói… Nói dứt lời, Gia-na-ki òa khóc…”

   Trong tâm trạng như vậy, trước mặt mọi người, ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma và Xi-ta là phải như vậy, không thể khác.

2. Nhân vật Ra-ma

   Để hiểu rõ và nhận ra đúng phẩm chất, tính cách của nhân vật này, các em cần lí giải mâu thuẫn trong con người chàng: giải cứu Xi-ta rồi lại ruồng bỏ nàng. Vì sao vậy? Các em trả lời hai câu hỏi gợi ý trong sách giáo khoa để xác nhận Ra-ma là con người như thế nào?

– Giải cứu Xi-ta vì động cơ gì? Theo lời tuyên bố của Ra-ma, thì việc chàng giao tranh với quý Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu Xi-ta chỉ duy nhất là vì danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng. Chính Ra-ma đã khẳng định: “Phải biết chắc điều này: chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường.”

– Ruồng bỏ Xi-ta vì lí do gì? Đó là vì cả hai lí do mà sách giáo khoa đã nêu: danh dự người anh hùng không cho phép chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác và sự ghen tuông của người chồng không chấp nhận một người vợ như vậy (có thể lấy dẫn chứng trong lời đối thoại tiếp theo đoạn trên đây) Chính Ra-ma đã lặp lại nhiều lần những câu nói: “ta không ưng có nàng nữa”, “ta không cần đến nàng nữa”; “có thể nào lại lấy về một người vợ…”, “làm sao ta có thể nhận nàng về…”; “nàng muốn đi đâu tùy nàng”, “nàng muốn đi đâu tùy ý”,… đã khẳng định điều đó. Và khi Xi-ta bước lên giàn lửa thì “Ra-ma vẫn ngồi, mắt dán xuống đất”, “lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần Chết vậy càng khiến ta hiểu rõ thêm phẩm chất và tính cách của nhân vật này.

   Đó là một con người vào sinh ra tử, chiến đấu với yêu quỷ để giành lại người vợ yêu quý nhưng cũng dám hi sinh tình yêu vì danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực. Phẩm chất lí tưởng đó được thể hiện trong tính cách cương nghị, dứt khoát và bộc lộ rõ ràng trong ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma khi nói với Xi-ta trước đông đủ mọi người chứng kiến.

3. Nhân vật Xi-ta

   Để hiểu được nét cao đẹp của nhân vật này, các em cần tìm hiểu rõ bản chất con người nàng. Bản chất đó được Xi-ta bộc bạch và nhấn mạnh trong lời đáp của mình với Ra-ma (cũng là những lời thanh minh cho mọi người hiểu rõ mình). Nàng đã nhấn mạnh những điều gì về bản thân mình?

– Trước hết, đó là sự khác biệt giữa tư cách, đức hạnh của nàng và loại phụ nữ tầm thường, thấp kém. Ngay câu đầu tiên nàng đã tự khẳng định mình: “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp”. Ba câu nói liên tiếp, từ thấp đến cao, đến mức phải dùng cả lời thề, phải viện cả tư cáchdanh dự đã chứng tỏ dứt khoát sự khác biệt đó.

– Sự khác biệt mang nét nghĩa chung trên đây đã được Xi-ta nhấn mạnh trong một sự khác biệt cụ thể khi nàng sa vào tay quỷ Ra-va-na. Đó là sự khác biệt giữa điều tùy thuộc vào số mệnh của nàng, vào quyền lực của kẻ khác (“cái thân thiếp đây”) và điều trong vòng kiểm soát của nàng (“trái tim thiếp đây”). Nàng đã nói rõ điều này cho Ra-ma biết: “… chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng”. Sa vào tay quỷ Ra-va-na, cái thân thiệp có thể phụ thuộc vào kẻ khác, nhưng trái tim thiếp thì bao giờ cũng thuộc về chàng. Chính cái nét cao đẹp đó đã làm Xi-ta đau đớn: “Thiếp còn gì là thanh danh, nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qua tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp”, “… Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”

– Và không chỉ bằng lời nói thanh minh, Xi-ta còn chứng tỏ lòng chung thủy của mình bằng hành động bước lên giàn hỏa. Vì sao nàng lại có quyết định như vậy? Thần Lửa A-nhi có vai trò rất quan trọng trong văn hóa Ấn Độ. Thần Lửa có mặt ở khắp mọi nơi, biết tất cả mọi hành động tốt, xấu mà con người đã làm, nên nghi lễ thử lửa được tin là có thể kiểm chứng đức hạnh người ta. Lửa còn có sức mạnh thanh tẩy. Xi-ta quyết định bước lên giàn hỏa là vì thế, và nàng cầu khấn thần A-nhi cũng vì thế. (xem lời cầu khấn của nàng trong đoạn trích). Lời cầu khấn đó đã được chứng nghiệm như ta đã thấy trong phần kết thúc: chứng giám đức hạnh của Xi-ta, thần Lửa đã đem nàng trả lại cho Ra-ma.

   Trong đoạn trích, Xi-ta hiện lên cao đẹp như một người phụ nữ lí tưởng xứng đáng với Ra-ma, nàng sẵn sàng bước qua mạng sống chính mình để chứng tỏ tình yêu và đức hạnh thủy chung của một người vợ.

4. Thái độ của công chúng khi chứng kiến Xi-ta nạp mình cho lửa

– Ai nấy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hỏa. . – Các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương.

– Cả loài Rak-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cũng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó. . Và không chỉ đau xót, mà trong nỗi đau đó, còn có sự cảm phục, tiếc thương khi trang tuyệt thế giai nhân nạp mình cho lửa. “Các bậc thánh, các chư thần nhìn Gia-na-ki bước vào lửa, chẳng khác một lễ vật trong lễ tế sinh”. Thật đau xót biết bao mà cũng cao đẹp biết chừng nào! – Các em có thể phát biểu cảm nghĩ riêng của mình trước cảnh nàng Xi-ta bước vào lửa.

II. LUYỆN TẬP

   Các em thực hiện bài luyện tập như gợi ý và hướng dẫn trong sách giáo khoa bằng cách chuyển đoạn trích thành một màn kịch nhỏ có tựa đề Ra-ma buộc tội để trình diễn.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 6: Ra-ma buộc tội
Đánh giá bài viết