BÀI LÀM

Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã thể hiện những giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc. Để thể hiện thành công những giá trị của tác phẩm, nhà văn đã thêm vào đó những nét nghệ thuật đặc sắc, giúp truyền tải nội dung của tác phẩm.

Trước tiên, tác giả đã xây dựng được tình huống truyện khá độc đáo, đặc biệt là chi tiết “chiếc bóng”. Chiếc bóng này đã gây nên cái chết oan uổng của Vũ Nương, và cũng chính chiếc bóng đó đã giúp nàng giải oan, làm sáng tỏ mọi chuyện. Đây là sự khái quát hóa tấm lòng, sự ngộ nhận và hiểu lầm của từng nhân vật. Hình ảnh này góp phần hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương, đồng | thời cũng giúp thể hiện rõ hơn số phận bi kịch của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến nói chung.

Mặt khác, tác giả đã dẫn dắt tình huống truyện vô cùng hợp lí. Chi tiết chiếc bóng là đầu mối câu chuyện lại chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở cuối truyện, tạo sự bất ngờ, bàng hoàng cho người đọc và tăng tính bi kịch cho câu chuyện. Tác phẩm cũng đã có nhiều sáng tạo hơn so với truyện “Vợ chàng Trương” trong dân gian. Hơn nữa, các nhân vật được xây dựng qua lời nói và hành động. Các lời trần thuật và đối thoại của nhân vật sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ nhưng vẫn khắc họa đậm nét và chân thật nội tâm nhân vật.

Đặc biệt, truyện đã sử dụng thành công những yếu tố kì ảo làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. Yếu tố kì ảo, hoang đường làm câu chuyện vừa thực vừa hư, vừa có hậu, vừa không có hậu, làm hoàn chỉnh vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương. Đó là những chi tiết Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa hay anh gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp; gặp lại Vũ Nương, được sử giả của Linh Phi vẽ đường đưa về trần gian. Hay đó còn là chi tiết Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất. Các yếu tố này được đưa vào xen kẽ các yếu tố thực như về địa điểm, thời gian, những chi tiết thực về trang phục của các mỹ nhân, tình cảnh nhà Vũ Nương không có người chăm sóc sau khi nàng mất,… Cách thức này làm cho thế giới kì ảo, lung linh, mơ hồ trở nên gần với cuộc đời thực, làm tăng độ tin cậy, khiến người đọc có niềm tin vào câu chuyện được kể.

Dựa vào các chi tiết kì ảo này giúp thể hiện đặc trưng của thể loại truyền kì đó là có sự đan xen giữa yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực, lấy cái gì để nói cái ảo. Việc đan xen các yếu tố kì ảo còn làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương – người nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, khát khao được phục hồi danh dự, tạo nên một kết thúc có phần nào có hậu cho câu chuyện, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở đời của nhân dân. Chi tiết kì ảo cũng đồng thời không làm mất đi phần nào tính bi kịch của truyện. Vũ Nương trở về mà vẫn xa cách ở giữa dòng bởi nàng và chồng con vẫn là âm dương cách biệt. Tác giả đưa người đọc vào giấc chiêm bao rồi lại kéo chúng ta sực tỉnh giấc mơ – giấc mơ về những người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn: nỗi oan của người phụ nữ vĩnh viễn không bao giờ giải được. Sự ân hận muộn màng của người chồng, đàn cầu siêu đều không cứu được người phụ nữ. Đây là giấc mơ cũng chính là lời cảnh tỉnh của tác giả. Nó để lại dư vị ngậm ngùi trong lòng người đọc và là bài học thấm thía về giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Như vậy, những yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong “Chuyện người con gái Nam Xương” đã góp phần nêu bật nội dung, qua đó cũng tạo sự hấp dẫn, kích thích, hứng thú đối với người đọc.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 6: Một số nét nghệ thuật đặc sắc của “Chuyện người con gái Nam Xương” – Nguyễn Dữ
Đánh giá bài viết