I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

   Yêu cầu cần đạt là nắm được khái niệm về sự việc, chi tiết và phương pháp lựa chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự.

1. Khái niệm về sự việc và chi tiết trong văn bản tự sự

   Văn bản tự sự kể lại một câu chuyện nào đó. Câu chuyện ấy gồm một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến sự việc kết thúc, thể hiện chủ đề, ý nghĩa của câu chuyện. Ví dụ: trong đoạn truyện Mị Châu – Trọng Thủy của truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy có một chuỗi các sự việc nối tiếp nhau để dẫn đến sự việc kết thúc: An Dương Vương xây Loa Thành để giữ nước → Triệu Đà giảng hòa, cầu thân, cho con sang ở rể → Trọng Thủy tìm cách đánh tráo lẫy nỏ → Triệu Đà cất quân đánh, An Dương Vương cùng Mị Châu chạy → Mị Châu rắc lông ngỗng trên đường chạy giặc → An Dương Vương chém con gái → Trọng Thủy đâm đầu xuống giếng tự tử → hình tượng ngọc trai – giếng nước.

   Vậy sự việc là gì? Sự việc là “cái xảy ra được nhận thức có ranh giới rõ ràng, phân biệt với những cái xảy ra khác” (Từ điển tiếng Việt). Tuy nó “phân biệt với những cái xảy ra khác”, nhưng trong câu chuyện, các sự việc vẫn có quan hệ móc xích với nhau, sự việc này dẫn đến sự việc kia tạo thành cốt truyện có diễn biến lôgíc, hợp lí để thể hiện chủ đề. Như vậy, sự việc là yếu tố không thể thiếu được trong văn tự sự. Vấn đề đặt ra cho người viết là phải biết chọn sự việc như thế nào để bài văn tự sự tập trung vào chủ đề và hấp dẫn người đọc. Mỗi sự việc bao gồm một vài chi tiết. Trong văn học nghệ thuật, chi tiết là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” (Từ điển thuật ngữ văn học).

2. Cách chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự

a) Sự việc, chi tiết được chọn trong văn bản tự sự phải là những sự việc, chi tiết tiêu biểu, có ý nghĩa và hấp dẫn người đọc.

Ví dụ:

– Nước dâng cao bao nhiêu đồi núi lại cao lên bấy nhiêu (nêu rõ ý nghĩa và đặc trưng của truyền thuyết).

– Cái bóng trên tường qua ý nghĩ trẻ thơ của bé Đản (vừa khắc sâu chủ đề, vừa tạo kịch tính cho truyện).

– Mị Châu rắc lông ngỗng trên đường chạy giặc (kết nối “cảnh chia tay? với “bi kịch gia đình, tình yêu” ở sau).

b) Ở bài tập 2, trong đoạn truyện “tưởng tượng” về người con trai của lão ” Hạc trở về làng sau Cách mạng tháng Tám, có ba sự việc:

– Về tới làng, anh bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa…

– Anh tìm gặp ông giáo, nghe ông kể về cha mình, rồi theo ông đi viếng mộ cha;

– Gửi lại những di vật của cha cho ông giáo, tạm biệt quê hương và bạn bè, anh lại lên đường đi làm cách mạng.

   Em hãy chọn một sự việc trong ba sự việc trên rồi kể lại với một số chi tiết tiêu biểu những chi tiết này cũng do em nghĩ ra, “tưởng tượng ra sao cho hợp với không khí và nhân vật mà đoạn văn trên đã giới thiệu).

c) Vì vậy cần phải lựa chọn sự việc, chi tiết khi viết văn tự sự. Cần tiến hành theo 3 bước sau đây:

– Chia cốt truyện thành các phần, mỗi phần chọn một số sự việc và chi tiết tiêu biểu. Các sự việc đó phải gắn bó chặt chẽ với nhau, sự việc này dẫn đến sự việc kia, tập trung thể hiện chủ đề, ý nghĩa của văn bản. Đồng thời các sự việc đó phải góp phần tô đậm tính cách nhân vật và tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện. Cần đặc biệt chú ý đến các sự việc chính như là xương sống của truyện, tạo nên linh hồn của tác phẩm. “

   (Có thể tham khảo cách lựa chọn sự việc trong các tác phẩm dân gian như Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mị Châu – Trọng Thủy,…; truyện trung đại như Chuyện người con gái Nam Xương; truyện hiện đại như Lão Hạc, Làng, Lặng lẽ Sa Pa, Chiếc lược ngà,… mà các em đã học ở trung học cơ sở để rút kinh nghiệm).

II. THỰC HÀNH – LUYỆN TẬP

A. Hướng dẫn làm bài tập trong SGK

Bài tập 1:

   Gợi ý: Không thể bỏ sự việc: hòn đá… chết gí ở đó vì nó chuẩn bị cho sự việc ở phần kết thúc tác phẩm, bộc lộ chủ đề, ý nghĩa văn bản.

Bài tập 2: 

   Gợi ý: Đọc đoạn Uy-lít-xơ trở về (trích sử thi Ô-đi-xê), ta thấy:

– Hô-me-rơ kể chuyện Uy-lít-xơ sau hai mươi năm đi xa nhà biền biệt, đã trở về gặp lại vợ là Pê-nê-lốp trong một hoàn cảnh trớ trêu, đầy thử thách nhưng cuối cùng đã đoàn tụ trong hạnh phúc gia đình.

– Ở phần cuối đoạn trích, tác giả đã chọn một sự việc quan trọng: đó là sự việc Pê-nê-lốp thử để nhận mặt chồng bằng phép thử “bí mật của chiếc giường”. Sự việc này được kể lại bằng những chi tiết tiêu biểu:

+ Lời thử rất tự nhiên và khéo léo của Pê-nê-lốp.

+ Lời đáp đầy thuyết phục của Uy-lít-xơ với những chi tiết xác thực, sống động về chiếc giường có một không hai này.

+ Mọi nghi ngờ được giải tỏa, họ ôm nhau trong nước mắt tràn trề hạnh phúc của niềm vui đoàn tụ.

B. Bài tập bổ sung

   Nhà văn Kim Lân và nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chọn những sự việc nào để xây dựng thành truyện ngắn LàngChiếc lược ngà? Các sự việc đó có liên quan với nhau, nối tiếp với nhau như thế nào để tạo nên một diễn biến truyện tự nhiên và lôgíc, hấp dẫn? Theo em, ở từng truyện, sự việc nào là quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bộc lộ chủ đề của tác phẩm?

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 6: Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự
Đánh giá bài viết