BÀI LÀM

Một tác phẩm nghệ thuật không chỉ thành công ở mặt nội dung, mà nó là sự kết hợp của nội dung và nghệ thuật. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng thành công bởi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trần thuật.

Trần thuật trước hết là lời thuật với chức năng kể việc. Ngoài ra, trần thuật còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình, lời bình của tác giả,… Còn về hình thức, trần thuật chủ yếu là đối thoại, độc thoại của chủ thể trần thuật với độc giả. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật tổ chức, sắp xếp toàn bộ bố cục, kết cấu tác phẩm sao cho hợp lí. Như vậy, trần thuật là cả một hệ thống tổ chức phức tạp nhằm đưa hành động, lời nói nhân vật vào đúng vị trí của nó để độc giả có thể bình luận theo ý định của tác giả.

Truyện “Chiếc lược ngà” khá tiêu biểu cho những đặc điểm trong nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng. Là một nhà văn Nam Bộ, rất am hiểu và gắn bó với mảnh đất ấy, Nguyễn Quang Sáng, hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong chiến tranh và sau hoà bình.

Một trong những điểm tạo nên sức hấp dẫn của truyện là tác giả đã xây dựng được một cốt truyện khá chặt chẽ, có những yếu tố bất ngờ tự nhiên nhưng hợp lí: Bé Thu không nhận ra cha khi ông Sáu về phép thăm nhà, rồi lại biểu lộ những tình cảm thật nồng nhiệt, đầy xúc động với người cha trước lúc chia tay. Sự bất ngờ , càng gây được hứng thú cho người đọc khi hiểu được tính hợp lí của các sự việc, hành động bề ngoài có vẻ mâu thuẫn. Ở phần sau của truyện, tác giả còn tạo thêm một bất ngờ nữa, đó là cuộc gặp gỡ tình cờ của nhân vật người kể chuyện với Thu, bấy giờ đã thành một cô giao liên dũng cảm, trong một lần ông cùng một đoàn cán bộ đi theo đường dây giao liên, vượt qua một quãng nguy hiểm ở Đồng Tháp Mười.

Một yếu tố nghệ thuật nữa góp phần tạo nên thành công của truyện ngắn này là việc lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp. Người kể chuyện trong vai một người bạn thân thiết của ông Sáu, không chỉ là người chứng kiến khách quan và kể lại mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Đồng thời qua những ý nghĩ, cảm xúc nhân vật kể chuyện, các chi tiết, sự việc và nhân vật khác trong truyện bộc lộ rõ hơn, ý nghĩa tư tưởng của truyện thêm sức thuyết phục.

Truyện được trần thuật theo lời của người bạn ông Sáu, người đã chứng kiến những cảnh ngộ éo le của cha con ông. Cảnh ngộ ấy đã gợi lên bao nhiêu xúc động ở nhân vật kể chuyện: “tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó”. Lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu những hi sinh mà bạn mình phải chịu đựng khiến cho ông “bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim”.

Chọn nhân vật kể chuyện như vậy khiến cho câu chuyện trở nên đáng tin cậy hơn. Người kể chuyện lại hoàn toàn chủ động điều khiển nhịp kể theo trạng thái cảm xúc của mình, chủ động xen vào những ý kiến bình luận, suy nghĩ để dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc, người nghe. (VD: trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng chưa bao giờ tôi bị xúc động như lần ấy, “cây lược ngà chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh”). 

Khi kể chuyện, tác giả sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật sâu sắc. Nghệ thuật này biểu hiện trong việc miêu tả tâm lí ông Sáu và bé Thu. Ở nhân vật ông Sáu

miêu tả sự thay đổi trên nét mặt, giọng nói, cử chỉ khi lần đầu gặp lại con gái sau bao ngày xa cách thể hiện sự xúc động, khao khát được gặp con. Trong những ngày bé Thu không nhận ba, anh đau khổ chỉ nhìn con khẽ lắc đầu. Trong buổi chia tay, ông Sáu đau khổ ra đi. Khi bé Thu gọi “ba”, niềm sung sướng của ông như vỡ òa. Trước khi chết, ông để lại kỉ vật cho con gái là một cây lược ngà. Tất cả những diễn biến tâm lí của ông Sáu cho thấy ông là người giàu lòng thương yêu con sâu sắc.

Thu luôn giữ trong lòng mình một niềm kính yêu, thường nhớ dành cho người trong bức ảnh. Khi gặp lại ông Sáu, với sương gió và sự khốc liệt của chiến tranh, ông đã không còn giống như người trong bức hình nữa, nên Thu nhất quyết không chịu nhận đó là cha mình. Ngày ba đi, bé kêu thét lên “ba…a…a”. Tiếng kêu như xé tan sự im lặng, nghe xót xa, tiếng kêu đó đè nén bao nhiêu năm nay, tiếng kêu như vỡ òa từ đáy lòng. Tình yêu, sự ân hận, hối tiếc của bé Thu dồn nén nay bỗng bùng ra mạnh mẽ, hối hả, cuống quýt. Qua diễn biến tâm lí đó cho thấy bé Thu là cô bé có tâm hồn trong sáng, tính cách mạnh mẽ nhưng chân tình.

Như vậy, bằng nghệ thuật trần thuật, Nguyễn Quang Sáng đã làm nổi bật lên tình cha con sâu nặng của ba con ông Sáu. Qua đó, ta thấy ông Sáu là người yêu thương con tha thiết, bé Thu tuy có nét bướng bỉnh nhưng đó là đứa nhỏ luôn yêu thương cha, thương cha bằng tình thương chân thành, mãnh liệt.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 59: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
3 (60%) 2 votes