BÀI LÀM

Chiến tranh luôn là nỗi oán ghét của tất cả những con người đất Việt. Bởi chiến tranh là chia li, là xa cách, chiến tranh cũng gây ra cho con người nhiều mất mát, đau thương. Nguyễn Quang Sáng viết “Chiếc lược ngà” cũng là trong lúc đất nước có chiến tranh, qua đó thể hiện tình cảm cha con sâu nặng. 

Chủ đề vốn không có gì mới lạ nhưng thành công của Nguyễn Quang Sáng thể hiện ở việc khai thác và biểu hiện tình cha con trong một tình huống đặc biệt: Ông Sáu đi kháng chiến khi con còn quá nhỏ, chưa biết mặt cha, chỉ biết cha qua tấm hình chụp cùng mẹ. Khi về con bé quyết định không nhận cha, mãi đến ngày ông đi con bé mới vỡ òa và nhận cha. Khi ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu thương và mong nhớ đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao tận tay cho con cây lược đó. Đây là hai tình huống bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu dành cho cha cũng như tình cảm yêu thương sâu sắc của cha đối với con.

Khi ở chiến trường, ông Sáu mong nhớ con vô cùng, chỉ mong đến ngày về phép để được gặp con, thăm gia đình. Ấy vậy mà khi về, thuyền chưa cập bến ông đã “nhón chân nhảy thót lên bờ, xô chiếc xuồng tạt ra” rồi “bước vội vàng với những bước dài”, “kêu to tên con, vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con” Vết thẹo dài trên má ông đỏ ửng lên, giọng nói run bần bật “ba đây con, ba đây con”. Tình cảm dồn nén bao lâu nay trong lòng ông Sáu bỗng trào ra làm cho bé sợ hãi, khóc gọi mẹ. Ông Sáu bỗng tối sầm mặt lại, “hai tay buông xuống như bị gãy”. Đó là tâm trạng đau khổ tột cùng, ông sung sướng, náo nức muốn ôm con vào lòng thì đáp lại, đứa con lại xa lánh, hoảng sợ khiến ông giật mình, ông không hiểu nguyên nhân vì sao nhưng ông cảm thấy đau đớn và bất lực vô cùng.

Trong ba ngày nghỉ phép, ông chẳng đi đâu xa, chỉ tìm cách gần gũi con bé, mong nhận được một tiếng gọi “ba” của nó. Ấy thế mà hết lần này đến lần khác, con bé đều lảng tránh ông, không cho ông đến gần. Trong lúc con bé bị dồn vào đường cùng là chắt nước cơm nhưng nó cũng gọi ông trống không, không hề có tiếng gọi “ba” nào. Đến bữa ăn, do nôn nóng, bực tức ông đã đánh con bé, con bé tức giận và bỏ sang nhà bà ngoại. Ông Sáu thật sự đau lòng, ông chỉ biết lắc đầu cam chịu bởi tình cảm là thứ tự nhiên, không thể gượng ép được.

Sau những ngày nghỉ phép, ông Sáu phải quay lại chiến trường, lúc ông đi con bé mới gọi “ba” khiến ông vui sướng khôn cùng, không kìm được nỗi xúc động, ông ôm trầm lấy con bé vào lòng. Nhưng đó cũng là lúc ông phải lên đường, ông hứa với con bé khi ông trở về sẽ tặng cho con gái một món quà. Trong những ngày ở chiến khu, ông rất thương con và ân hận vì việc mình đã đánh con. Ông dồn hết tình yêu ấy vào việc làm cho con một chiếc lược ngà như lời hứa khi chia tay. Ông tự đi tìm ngà voi rồi tự tay cưa từng chiếc răng lược thận trọng, tỉ mỉ. Ông gò lưng khắc lên đó dòng chữ “Yêu nhớ – tặng Thu con của ba”. Chiếc lược ngà đã gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông, đó là tình cảm, là tấm lòng, là yêu thương mà ông muốn gửi gắm cho con bé. Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi ông lại lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho thêm bóng, thêm mượt. Ông trời lại quá độc ác với ông Sáu. Trong một trận càn của kẻ thù, ông Sáu đã hi sinh, ông chỉ tiếc một điều là chưa trao tận tay món quà cho con bé. Ông đã nhờ người bạn chiến đấu “mang về trao tận tay cho cháu” thì ông mới yên tâm nhắm mắt. Cử chỉ ấy cho ta hiểu tình cảm cha con mãnh liệt và tha thiết của ông.

Còn bé Thu là một đứa bé bướng bỉnh, cứng đầu và gan lì. Khi ông Sáu ở bến xuồng, nghe tiếng gọi tên mình nó “giật mình tròn mắt nhìn”. Nó ngơ ngác, lạ lùng, mặt nó bỗng tái đi rồi chạy đi gọi má. Trong ba ngày ông Sáu ở nhà, Thu luôn xa lánh ông, nhất định không chịu gọi tiếng “ba”. Khi gọi ông Sáu vào ăn cơm nó cũng nhất quyết gọi trống không, khi bị dồn vào thế bí nó cũng nhất quyết không gọi. Trong bữa ăn, Thu đã hất tung cái trứng cá ra mâm, cơm văng tung tóe, ông Sáu bực lên đánh nó, nó không khóc, chạy sang nhà bà ngoại, cố ý khua cho dây xuồng kêu thật to. Bé Thu đúng là một cô bé bướng bỉnh, cứng đầu và gan lì. Đến bác Ba cũng phải nghĩ “con bé đáo để thật”, còn ông Sáu thì không thể kìm nén được “Sao mày cứng đầu quá vậy?”. Chính thái độ ương ngạnh, ngang bướng đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cha con. Lý do nó không nhận ba thật đơn giản mà hợp lí – đó chính là vết thẹo dài trên má ông. 

Sau những ngày ở cùng bà ngoại, bà đã giảng giải cho con bé hiểu. Con bé đã biết được rằng ông Sáu chính là cha mình. Nó cũng hiểu vết sẹo trên mặt ông chính là do chiến tranh mang lại. Chính vì thế mà khi ông Sáu lên đường, con bé đã chạy gọi “ba” một tiếng kêu như xé trời, tiếng gọi thân thương mà ông Sáu đã chờ đợi trong suốt tám năm trời, cuối cùng thì ông cũng được nghe. Thế rồi, nó vừa kêu vừa chạy xô tới ôm cổ ba. Nó hôn lên cả vết thẹo dài trên mặt ông Sáu – cái vết sẹo mà trước kia nó cảm thấy ghê sợ vô cùng. Thu thương cho lắm, hành động đó của em như muốn thay cho lời xin lỗi của bé. Sau khi nghe ông Sáu nói: “Ba đi rồi về với con”, bé Thu thét lên: “Không!”. Hai tay nó ôm lấy cổ cha, hai chân bám chặt vào người, em khóc vì thương cha, vì không biết đến bao giờ mới được gặp lại cha. Lúc này, mọi hành động của Thu đều gấp gáp, dồn dập trái ngược hẳn với những hành động thờ ơ lúc trước của nó. Trong tâm hồn cô bé, tình yêu cha đã có sự thay đổi. Bên cạnh tình yêu đó còn là niềm tự hào vô bờ bến vì cha đã hi sinh cả cuộc đời vì đất nước, vì Tổ quốc. 

Tác giả đã xây dựng được một tình huống hết sức chặt chẽ, hấp dẫn xoay quanh những câu chuyện bất ngờ nhưng tự nhiên và hợp lí. Tác giả cũng đã thành công trong việc miêu tả tâm lí và hành động của nhân vật. Điều đó thể hiện sự nhạy cảm, tấm lòng yêu thương, trân trọng của nhà văn đối với con người.

Chính vì thế, “Chiếc lược ngà” là câu chuyện xúc động về tình cha con, nó làm cho bao trái tim rung động. Qua đó càng thể hiện thái độ căm ghét chiến tranh, bởi chiến tranh luôn là những gì đau thương và mất mát. 

Nguồn website giaibai5s.com  

Bài 58: Phân tích tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
Đánh giá bài viết