BÀI LÀM 

“Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn dường như không có cốt t truyện. Cả câu chuyện diễn ra nhẹ nhàng như chính cái nhan đề ấy, không có nút thắt, cũng chẳng có kịch tính nhưng nhờ vào cách kể chuyện độc đáo của Nguyễn Thành Long mà tác phẩm luôn gây được sự chú ý.

Truyện ca ngợi thiên nhiên non xanh đẹp đẽ, những con người sống giữa thiên nhiên lặng lẽ nhưng vô cùng sôi nổi, hết lòng vì Tổ quốc, có trái tim cao đẹp.

Thiên nhiên Sa Pa là bức tranh thơ mộng, huyền ảo, làm say đắm lòng người. Sa Pa bắt đầu bằng những rặng đào và đường núi quanh co uốn lượn. Sa Pa còn đẹp và thơ mộng hơn bởi những cánh đồng cỏ trong thung lũng, những đàn bò lang cổ đeo chuông đang thung thẳng gặm cỏ. Không chỉ có vậy, Sa Pa còn được tô điểm thêm những màu sắc tươi sáng của các loại cây lạ, và nhất là các loại hoa. Thật bất ngờ khi nhìn thấy những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”. Còn hoa ở Sa Pa thật đẹp, ngay giữa mùa hè đã rực rỡ ngát hương với “hoa dơn, thược dược, lay ơn, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…

Phong cảnh Sa Pa đẹp biết nhường nào.Được ngắm nhìn thiên nhiên Sa Pa ta có cảm giác như được chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa lung linh, kì ảo. Con mắt nhìn tinh tế của trái tim nghệ sĩ biết yêu và rung động trước cái đẹp của Nguyễn Thành Long và bút pháp lãng mạn đã chọn lọc được những nét đẹp tiêu biểu của thiên nhiên Sa Pa, khơi gợi trong lòng ta một tình yêu quê hương đất nước.

Truyện không chỉ là một bức tranh lãng mạn về cảnh đẹp thiên nhiên Sa Pa, mà còn ngợi ca những con người đang say mê lao động với lòng nhiệt huyết đáng trân trọng.

Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện. Tuy nhiên, tác giả không cho nhân vật xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ gián tiếp qua lời giới thiệu rất ấn tượng của bác lái xe: anh ta là người cô độc nhất thế gian, anh ta rất “thèm người” và nếu họa sĩ đã gặp thì thế nào cũng thích vẽ. Sau đó, anh xuất hiện trực tiếp qua cuộc gặp gỡ chốc lát với các nhân vật khác trong khoảng thời gian ngắn ngủi: ba mươi phút rồi lại khuất vào mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi non Sa Pa. Anh đã có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống của con người: “… Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao lại gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Những lời tâm sự ấy giản dị, chất phác quá, hồn nhiên và vô tư quá. Lời tâm sự ấy đã toát lên một vẻ đẹp nhân cách đáng trân trọng, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc. Quả là công việc đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc và là lẽ sống của đời anh. Động cơ làm việc đúng đắn và phương châm sống cao đẹp của anh: làm việc vì mọi người, vì Tổ quốc đã khiến cho ông họa sĩ và mỗi chúng ta phải tự nhủ thầm “người con trai ấy đáng yêu thật”. Cuộc sống của anh không cô đơn, buồn tẻ còn vì anh có một nguồn vui khác nữa ngoài công việc – đó là niềm vui đọc sách mà anh thấy như lúc nào cũng có người bạn để trò chuyện.

Ở người thanh niên ấy còn có những nét tính cách và phẩm chất rất đáng mến nữa: sự cởi mở, chân thành, rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người (tinh thần của anh với bác lái xe, thái độ ân cần, chu đáo, sự cảm động, vui mừng của anh khi có khách xa đến thăm bất ngờ…) Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh nhiệt thành giới thiệu với ông những người khác đáng cảm phục hơn nhiều (ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét).

Ngay khi nhân vật xuất hiện tác giả vẫn kết hợp miêu tả trực tiếp với miêu tả gián tiếp, dưới ngòi bút của Nguyễn Thành Long, nhân vật đã hiện lên với những nét đẹp tỏa sáng từ ý nghĩa công việc, từ cách sống, cách suy nghĩ, cách biểu lộ tình cảm đối với mọi người. Đó là sự giản dị, khiêm tốn, lặng lẽ cống hiến cho đất nước, cho cuộc đời.

Trong truyện, ngoài nhân vật chính, các nhân vật khác cũng để lại nét ấn tượng trong lòng người đọc. Mang cái nhìn và suy nghĩ sâu sắc của người kể chuyện về cảnh vật, về con người, về nghệ thuật, ông họa sĩ già là một con người từng trải, suy tư, trăn trở trước cuộc đời, khao khát cống hiến cho nghệ thuật. Cô kĩ sư trẻ hồn nhiên, sống có lí tưởng thật rõ ràng, biết cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp, sẵn sàng đem sức trẻ của mình để cống hiến cho Tổ quốc. Còn bác lái xe vui tính dù chỉ xuất hiện ở phần đầu truyện nhưng cũng đã kịp thể hiện những nét đẹp trong tính cách: yêu nghề, có trách nhiệm đối với công việc, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người. Bên cạnh đó, trong truyện còn có một số nhân vật chỉ xuất hiện qua lời gián tiếp giới thiệu của anh thanh niên: ông kĩ sư nghiên cứu trồng rau, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét, nhưng cũng thể hiện rõ nét đẹp của con người lao động mới: tận tụy và có trách nhiệm với công việc, âm thầm và say sưa cống hiến cho đất nước,… Các nhân vật được tác giả đặt trọng tâm thế hướng tới cái đẹp. Chính nghệ thuật quy chiếu tầng bậc đã giúp cho tác giả xây dựng thành công một tập thể những con người lao động mới đang hướng tới cái đẹp, sự hoàn hảo về nhân cách, về lẽ sống.

Trong cái lặng im của Sa Pa, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. Đồng thời qua câu chuyện về anh thanh niên, tác phẩm cũng gợi ra những vấn đề về ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người: dù trong hoàn cảnh đơn độc giữa thiên nhiên vắng lặng quanh năm mà con người vẫn không cô đơn, buồn tẻ một khi người ta tìm thấy ý nghĩa của công việc và cuộc sống của mình.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 56: Cảm nghĩ của em về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” – Nguyễn Thành Long
Đánh giá bài viết