BÀI LÀM 

Một câu chuyện muốn đi sâu vào trong lòng người đọc cần có cốt truyện hấp dẫn, độc đáo. Có tác phẩm đọc xong không để lại ấn tượng gì trong lòng người đọc, ngược lại, có những câu chuyện vừa đọc đã khắc sâu trong trí nhớ độc giả. Tác phẩm “Làng” của Kim Lân là một điển hình như thế. Người đọc nhớ tới tác phẩm và tác phẩm để lại ấn tượng trong lòng người đọc nhờ vào việc xây dựng thành công tình huống truyện.

Tình huống truyện là các sự việc, hoàn cảnh diễn ra sự việc được tác giả đặt nhân vật vào đó để bộc lộ đặc điểm, tính cách, phẩm chất của mình. Tác phẩm “Làng” là một tác phẩm hay, thành công trong việc xây dựng tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật. 

Truyện xoay quanh sự việc là tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc cùng những phản ứng của ông Hai trước và sau sự việc đó. Tình huống này được chia làm ba giai đoạn: trước khi ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc; khi ông Hai nghe tin làng theo giặc; ông Hai nghe tin cải chính. Trong mỗi tình huống ông Hai bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của mình thông qua việc xử lý các tình huống.

Trước khi nghe tin làng theo giặc, đi đâu ông Hai cũng khoe về làng của mình. Ông tự hào về tất cả mọi thứ của làng Chợ Dầu.

Khi nghe tin làng Chợ Dầu là Việt gian, theo giặc: Tác giả đặt nhân vật vào tình huống gay cấn, để ông Hai đau xót, tủi nhục và bế tắc khi làng và nước ở hai chiều đối ngược. Tình huống này bắt buộc ông Hai phải lựa chọn: một là làng – nghĩa là cũng cùng với dân làng theo giặc; hai là nước – chống lại quân giặc. Nhân vật đã bộc lộ sâu sắc tình yêu làng, yêu nước và ông đã đi đến quyết định: “Làng thì yêu thật, nhưng làng đã theo Tây rồi thì phải thù”. Kim Lân khẳng định: trong lòng mỗi người dân Việt Nam, tình yêu đất nước bao trùm lên tất cả, trong đó bao gồm cả tình yêu gia đình, yêu làng xóm. Chính vì thế, khi ông Hai quyết định chọn nước nghĩa là ông cũng đã bộc lộ tình yêu làng.

Sau đó, khi ông nghe tin làng được cải chính: Đây chính là chi tiết cởi nút cho câu chuyện, giải tỏa mọi khúc mắc trong lòng ông Hai, đồng thời góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm. Để cho ông Hai chạy đi khắp nơi khoe cái tin làng mình bị Tây đốt, nhà mình bị giặc đốt nhẵn. Điều này khiến ta cảm nhận được tình yêu làng, yêu nước mãnh liệt trong con người ông Hai – đó cũng là tình yêu làng, yêu nước trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Vì quê hương, đất nước họ sẵn sàng hi sinh mọi thứ thậm chí cả sinh mệnh con người.

Ở mỗi tình huống truyện ông Hai đều bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, rất “người” của mình. Điều đó cũng khẳng định thành công trong việc xây dựng tình huống truyện của Kim Lân. . Như vậy, từ việc xây dựng tình huống truyện độc đáo Kim Lân đã khẳng định được chủ đề của truyện. Truyện đã diễn tả một cách chân thực, sâu sắc và cảm động, tình yêu làng hòa quyện với tình yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân – đây là nét chuyển biến mới trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam thời kì đầu kháng chiến.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 52: Phân tích nét độc đáo của tình huống truyện của truyện ngắn “Làng” – Kim Lân
Đánh giá bài viết