BÀI LÀM 

Trăng luôn là hình ảnh quen thuộc của những chiến sĩ – thi sĩ. Trăng đi vào trong thơ ca từ thời chiến đến thời bình, là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ. Trăng đã trở thành người bạn chiến đấu, người bạn tâm tình mà nổi bật là hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và hình ảnh “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

Cả hai tác giả đều viết về đề tài chiến tranh, về cuộc sống gian nan của người lính khi sống trong rừng. Xung quanh là rừng núi, “trăng” đều đã đến thật bất ngờ và hợp lí, trở thành người bạn tâm tình của những chàng lính trẻ.

Trăng trong hai câu thơ thân mật, gần gũi, gắn bó với tâm trạng người chiến sĩ. “Ánh trăng” đã trở thành đề tài nổi bật cho những người chiến sĩ cách mạng xa quê hương, xa người thân để đi chiến đấu, chính vì vậy nỗi nhớ quê hương đã được gửi qua hình ảnh ánh trăng này, những hình ảnh đó đã tạo nên sự gần gũi, quen thuộc. Trăng và con người đã gắn bó trong những tháng ngày gian khổ nhất. Giữa không gian vắng lặng của núi rừng, trăng đến để soi sáng con đường tiến bước, đến để sẻ chia những khó khăn, vất vả của người . lính, ánh trăng ân tình, thủy chung, trong lúc con người khó khăn nhất vẫn luôn có trăng bên cạnh tiếp thêm sức mạnh chiến đấu. 

Bên cạnh đó, trăng trong hai câu thơ này vẫn có những nét riêng độc đáo. Hình ảnh “trăng” trong “Đồng chí” xuất hiện khi đất nước ta đang đứng lên chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược với hàng ngàn những vất vả, hi sinh. Trăng trở thành người bạn của chiến sĩ khi anh bỏ lại quê hương, bước tới chiến trường. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là câu kết trong bài “Đồng chí” cũng là biểu tượng đẹp về tình đồng chí. Hình ảnh trăng tạo nên con người thi sĩ, vậy là trong đêm rừng, người chiến sĩ – thi sĩ hài hòa với nhau, hòa vào nhau để chiến đấu. “Trăng”“Súng” vốn dĩ là hai hình ảnh đối lập nhau, “trăng” là biểu hiện của hòa bình, “súng” tượng trưng cho chiến tranh. Vậy mà ở đây chúng lại xuất hiện sóng đôi cùng nhau vô cùng độc đáo. Người lính đang cầm súng để bảo vệ hòa bình, qua đó cho ta thấy khát khao hòa bình của những người chiến sĩ, và đó cũng là một tương lai không xa của dân tộc. Súng và trăng: cứng rắn và dịu hiền, chiến sĩ và thi sĩ, đây cũng chính là một cặp đồng chí trong chiến đấu. Chính Hữu đã khép lại bài thơ của mình bằng một hình ảnh đầy sức gợi.

Còn bài thơ “Ánh trăng” được Nguyễn Duy sáng tác vào năm 1978, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, hòa bình lập lại, Nguyễn Duy sống ở thành phố và nhớ lại những kỉ niệm xưa, những kỉ niệm gắn bó với trăng. “Trăng” gắn bó với người chiến sĩ không chỉ là thời gian ở rừng, mà đó còn là cả một tuổi thơ vui đùa, sống hồn nhiên cùng trăng khi còn nhỏ, khi sống ở làng quê. “Vầng trăng thành tri kỉ” nói lên cả một quá trình gắn bó lâu dài, ngỡ như sẽ bên nhau đến trọn đời, sẽ không bao giờ quên. Vầng trăng mang lại những kí ức tươi đẹp của tuổi thơ, trăng cùng hành quân theo bước chân người lính đi vào chiến trường, luôn là người bạn đồng hành theo từng dấu chân người lính. Vì thế, trăng thân thuộc, gần gũi và bình dị như chính con người làng quê. Gợi ra sự gắn bó tình cảm mãnh liệt, da diết.

Như vậy, trăng đã trở thành những người bạn hiền của các chiến sĩ, là người tiếp thêm động lực chiến đấu và chiến thắng. Dù là thời bình hay thời chiến, trắng mãi mãi là những người bạn thân thuộc, tâm tình của con người.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 48: Sự gặp gỡ về tâm hồn của những người đồng chí qua hình ảnh “Đầu súng trăng treo” (Đồng chí – Chính Hữu) và hình ảnh “Vầng trăng thành tri kỉ” (Ánh trăng – Nguyễn Duy)
3.7 (73.33%) 30 votes