BÀI LÀM 

Từ lâu, trăng đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Trăng gợi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà thơ trẻ, trăng trở thành người bạn đồng hành người bạn tâm giao của con người. Ta bắt gặp hình ảnh “ánh trăng” trong những vần thơ của Nguyễn Duy. Hình ảnh ánh trăng có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung tác phẩm.

Trăng ở đây đã trở thành một chủ thể mang một sức sống mới, một màu sắc cá thể hóa rõ rệt, cao độ. Trăng cũng như người, biết chờ đợi hẹn hò có tâm trạng vui, buồn, cô đơn khi xa cách. Mở đầu bài thơ tác giả đã đề cập đến “ánh trăng”. Đó là hình ảnh trăng trong ký ức tuổi thơ của nhà thơ và trong chiến tranh.

Hồi nhỏ sống với đồng 
với sông rồi với bể        
hồi chiến tranh ở rừng   
vầng trăng thành tri kỷ. 

Hình ảnh vầng trăng đang được trải rộng ra trong cái không gian êm đềm và trong sáng của tuổi thơ. Đoạn thơ đã diễn tả một cách khái quát về sự vận động cả cuộc sống con người, mỗi con người sinh ra và lớn lên có nhiều thứ để gắn bó và liên kết. Cánh đồng, sông và bể là những nơi cất giữ bao kỉ niệm của một thời thơ ấu. Ở vùng quê đó ta đã bắt gặp hình ảnh vầng trăng, trăng đã lớn lên cùng tác giả sau này khi vào chiến trường, lúc chờ giặc tới trăng luôn sát cánh bên người lính cùng họ trải nghiệm, vượt qua những đau thương và khốc liệt của bom đạn kẻ thù. Người lính hành quân dưới ánh trăng dát vàng con đường, ngủ dưới ánh trăng và cũng dưới ánh trăng sáng, tâm sự của người lính lại mở ra để vơi đi bớt nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà. Trăng thật sự đã trở thành người bạn tri kỷ của người lính trong những năm tháng chiến tranh máu lửa.

Ở khổ thơ thứ hai, vầng trăng ở đây không chỉ là trăng của tự nhiên nữa, mà đó còn là tình cảm của trăng với con người – “cái vầng trăng tình nghĩa”. Cũng trong những năm tháng chiến tranh, khi xung quanh hoang sơ, “trần trụi” thì “vầng trăng” đã đến với người chiến sĩ bằng tấm lòng đầy nghĩa tình, trở thành một người bạn tâm sự, người bạn đồng cảm và cùng chia sẻ những khó khăn. Trăng chân thành và đằm thắm đến thế.

Chiến tranh rồi cũng qua đi, khi con người trở về với cuộc sống thành thị, giờ đây, “vầng trăng” lại như một người xa lạ, chắc hẳn trăng sẽ rất buồn và cô đơn:

Từ hồi về thành phố            
quen ánh điện cửa gương    
vầng trăng đi qua ngõ          
như người dưng qua đường. 

Thời gian trôi qua cuốn đi bao tình cảm tốt đẹp, như cơn bão lốc cuốn đi mọi thứ. Thời gian ấy cũng đã cuốn đi bao kí ức tươi đẹp của con người. Người lính năm xưa nay đã quen dần với cuộc sống phồn hoa nơi đô thị đẹp đẽ mà bẵng quên đi người bạn tri kỉ của mình – người mà tưởng như sẽ không bao giờ quên được. Giờ đây, người bạn “tri kỉ” ấy đi qua ngõ nhà mình nhưng lại xem như không quen biết. Hình ảnh “vầng trăng” được nhân hóa như con người, làm rung động biết bao trái tim. Cũng chính phép nhân hóa đó đã làm cho người đọc cảm thương cho một “người bạn” bị chính người bạn thân một thời bỏ quên. Một phần của sự vô tâm đã lấn át đi lí trí của con người, khiến cho họ quay lưng lại với quá khứ. Con người khi được sống đầy đủ về vật chất sẽ nhanh chóng lãng quên đi những giá trị tinh thần tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất đỗi thân thương, cao cả. Nhưng rồi, một tình huống bất ngờ:

Thình lình đèn điện tắt   
phòng buyn-đinh tối om 
vội bật tung cửa sổ         
đột ngột vầng trăng tròn. 

Khi mọi ánh sáng của phố phường biến mất, cả thành phố chìm trong bóng tối, thì lúc này chỉ có một thứ vẫn sáng chói – đó là “ánh trăng”. Dù trước hay sau, dù quá khứ hay hiện tại thì lúc nào trăng cũng sáng – một ánh sáng dịu hiền như thế. Cũng chính nhờ cái ánh sáng ấy mà con người được thức tỉnh, mới “giật mình” khi nhận ra người bạn tri kỉ năm xưa. Người bạn ấy không bao giờ bỏ rơi con người, không bao giờ oán giận hay trách móc sự vô tâm của con người. Mà người bạn ấy vẫn luôn ở đây, vẫn luôn đứng phía sau chờ đợi người bạn quay lại, bao dung mở rộng vòng tay đón người bạn quay về. Vầng trăng ấy vẫn rất vị tha và rộng lượng. Khi đối mặt với trăng, người lính bỗng cảm thấy áy náy, hối lỗi. Dường như mặt trăng và mặt người đang đứng đối diện nhau, trò chuyện cùng nhau, người lính khi xưa cảm thấy có cái gì rưng rưng trong lòng. Trăng cũng đã giúp thức tỉnh con người:

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình        
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.       

Trăng vẫn luôn viên mãn, tròn đầy dù trải qua biết bao thăng trầm. Trăng chỉ lặng im theo dõi, chẳng nói lời nào. Nhưng cũng chính sự im lặng ấy đã làm cho con người ta “giật mình”. Ánh trăng như một tấm gương lớn để con người soi mình vào đó, để giúp con người thức tỉnh. “Trăng tròn vành vạnh” còn là hiện diện của quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên những thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.

Như vậy, trăng vừa là hình ảnh thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Trăng là một phần của hình tượng thiên nhiên rộng lớn, đồng thời lại là biểu tượng của thiên nhiên, kết tinh những vẻ đẹp của thiên nhiên. Trăng còn là biểu tượng của tình người giản dị, trong sáng, thủy chung, tình nghĩa – đó là nhân dân, là đồng đội của người kháng chiến – những người đã từng cứu mạng, che chở, từng gắn bó, chia sẻ mọi gian lao, hi sinh và những niềm vui hồn nhiên, trong trẻo. Vầng trăng còn là biểu tượng cho lương tâm, cho phần trong sáng ở mỗi con người. Soi vào vầng trăng cũng là soi vào lương tâm, nhận ra mình, nhận ra sự thay đổi đáng trách của mình để từ đó thức tỉnh tâm hồn.

Ý nghĩa biểu tượng của vầng trăng trong bài “ánh trăng” vừa là sự kế thừa, vừa có sự bổ sung cho ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh ánh trăng trong thơ ca từ xưa đến nay. Cũng chính vì thế mà “ánh trăng” của Nguyễn Duy gợi ra trong lòng người đọc những suy ngẫm sâu sắc về cách sống, cách làm người.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 47: Phân tích hình ảnh “trăng” trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy
Đánh giá bài viết