BÀI LÀM 

Cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta giành thắng lời không chỉ nhờ vào công lao to lớn của những người lính tham gia kháng chiến mà còn nhờ vào sự yêu thương, chăm sóc, sự chi viện từ những bà mẹ Việt Nam. Có thể họ không trực tiếp tham gia kháng chiến, nhưng họ luôn là hậu phương vững chắc, là điểm tựa cho những người lính chiến đấu dũng cảm. Vai trò của những bà mẹ đã được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện độc đáo trong tác phẩm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.

Đây là một trong những bài thơ thành công viết về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Mượn âm hưởng ngọt ngào, sâu lắng, tha thiết của những khúc hát ru, tác giả đã ca ngợi lòng thương con và tình yêu quê hương đất nước của những người mẹ Tà – ôi trong một thời lịch sử hết sức hào hùng và oanh liệt, khi cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra trên cả hai miền Nam – Bắc, cuộc sống của các chiến sĩ và nhân dân ta trên các chiến khu rất gian nan, thiếu thốn, bộ đội và nhân dân vừa bám rẫy, vừa tăng gia sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ khu căn cứ. Hình ảnh người mẹ địu con giã gạo, địu con lên rẫy tỉa bắp, địu con đi đấu tranh đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành bài thơ.  

Mở đầu mỗi khúc ca là một điệp khúc ngọt ngào, tha thiết:

Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi!          
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ… 

Có lúc như vỗ về yêu thương. Tình mẹ hay tấm lòng nhà thơ:

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi… 

Trong mỗi khúc hát ru đều có hình ảnh người mẹ với công việc vất vả cùng tình cảm, ước vọng đối với đứa con và quê hương đất nước. Khúc ca thứ nhất là tiếng ru khi mẹ địu con giã gạo:

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội                       
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng 
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi                  
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối                      
Lưng đưa nội và tim hát thành lời.              

Nếu câu thơ trên tả thực thì câu thơ dưới thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng giữa mẹ và con. Tác giả vừa miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc của người mẹ, vừa miêu tả giấc ngủ chập chờn, giấc ngủ nghiêng của cu Tai trên lưng mẹ. Dường như chú bé cũng thấy được nỗi vất vả và ý nghĩa đẹp đó trong việc làm của mẹ nên hơi thở em hoà cùng hơi thở mẹ và em cố ngủ ngoan cho mẹ yên lòng. Nếu ai đã từng chứng kiến cảnh giã gạo bằng chày trong cối gỗ của đồng bào miền núi thì mới thấy hết sự vất vả khi biến hạt thóc thành hạt gạo trắng ngần. Nhà thơ đã chọn lựa những động tác tiêu biểu để miêu tả công việc giã gạo nặng nhọc và thể hiện tình mẹ con chân chất, sâu nặng của người mẹ miền núi. Tiếng ru con “nghiêng” theo nhịp chày làm cho giấc ngủ em Cu Tai cũng nghiêng theo. Con như đang chia sẻ sự vất vả của mẹ. Má em cũng nóng hổi vì bao mồ hôi mẹ tuôn rơi. Hàng loạt hình ảnh hoán dụ: mồ hôi, má, vai, lưng, tim được sử dụng rất đắt để thể hiện trái tim yêu thương mênh mông của người mẹ nghèo. Lưng mẹ là chiếc nôi để con lớn lên. Trong giấc ngủ lúc nào Cu Tai cũng được ấp ủ trong hơi thở và tình yêu thương của mẹ, được nghe mẹ hát ru. Tim mẹ dạt dào tình mẫu tử. Hạt gạo của mẹ nặng tình nặng nghĩa rất đáng tự hào. Mẹ nói những tiếng nói tâm tình: 

Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội          
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần           
Mai sau con lớn vung chày lún sân…         

Câu thơ như lời ru êm ái chất chứa yêu thương. Tình cảm của mẹ vốn đã đẹp nay càng đẹp hơn bởi nó gắn liền với tình cảm lớn lao là tình thương bộ đội, tình yêu đất nước. Mẹ mong trong giấc ngủ con sẽ mơ cho mẹ có được nhiều hạt gạo để nuôi bộ đội và con sẽ lớn thật nhanh để giúp mẹ giã gạo nuôi quân. Điều này chứa đựng niềm hi vọng cháy bỏng của người mẹ về đứa con sau này sẽ trở thành một thanh niên cường tráng có ích cho nước, cho dân.

Khúc hát thứ hai là tiếng hát khi mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lai. Người mẹ cần cù và đảm đang vừa địu con, vừa làm rẫy.

Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi     
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ       
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi 
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi      
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.     

Mẹ mong em bé ngủ ngoan để yên tâm làm việc. Nhưng ở khổ thơ này thể hiện tình cảm da diết hơn qua cặp hình ảnh đối lập: lưng núi to – lưng mẹ nhỏ. Núi thì lớn, nương bắp thì rộng trong khi lưng mẹ nhỏ, sức mẹ có hạn. Câu thơ đã khắc họa sự gian lao vất vả của người mẹ. Bên cạnh đó, xuất hiện hình ảnh “mặt trời” với đầy sức gợi. Trước hết, đây là mặt trời có thực, trên núi, là mặt trời nuôi lớn dãy bắp. Bên cạnh đó, hình ảnh mặt trời còn mang tính ẩn dụ, mặt trời của người mẹ chính là đứa con đang nằm trên lưng. Con là động lực để hằng ngày mẹ vất vả làm việc, con là người tiếp thêm sức mạnh cho mẹ. Hình ảnh ẩn dụ này còn nói lên tình thương, niềm tự hào của mẹ đối với Cu Tai, em là nguồn sống, là hạnh phúc của cuộc đời mẹ. Lời ru ở khúc này vẫn là tiếng nói tâm tình của mẹ nhưng chứa đựng ước mơ lớn hơn:

Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều     
Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi…

Càng thương con, mẹ lại càng thương bà con dân bản. Mẹ ước mơ về một ngày mai no ấm, hạnh phúc, về sự trưởng thành và sức mạnh kì diệu của đứa con thân yêu. Khúc ca thứ ba, nhịp điệu vang lên dồn dập. Đó là lúc:

Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối     
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông 
Mẹ địu em đi để giành trận cuối            
Trên lưng mẹ, em đến chiến trường        
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.      

Lời thơ khẳng định ý chí chiến đấu mãnh liệt của bà mẹ Tà-ôi nói riêng và đồng bào nói chung. Cả gia đình mẹ cùng ra trận mang tầm vóc anh hùng. Truyền thống đánh giặc là truyền thống quý báu của dân tộc ta: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” Ở đây, người mẹ địu con ra trận, đi tiếp tế, đi tải đạn vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: – Kết thúc bài thơ vẫn là lời hát ru và ước muốn của mẹ:

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ 
Mai sau con lớn làm người Tự do…

Mẹ mong con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ cũng là lúc mong chở cuộc kháng chiến đi đến toàn thắng, đất nước được độc lập, tự do, thống nhất hai miền Nam-Bắc. Khi đất nước được hòa bình, sau này con sẽ trở thành người tự do, được sống trong hòa bình và cũng được thỏa chí cống hiến cho đất nước. Trong những năm chiến đấu ác liệt, khát vọng tự do cháy bỏng và thiêng liêng vô cùng. Có thể nói mỗi ước mơ đều gắn với công việc mẹ đang làm, hoàn cảnh mẹ đang sống, rất cụ thể và giản dị, mộc mạc nhưng cháy bỏng, tràn đầy niềm tin và hi vọng.

Ý nghĩa cuộc chiến đấu của dân tộc ta được lí giải một cách cụ thể và sâu sắc trong ước mơ của người mẹ. Và từ ước mơ của người mẹ Tà-ôi, qua bài thơ, tác giả đã gợi cho người đọc liên tưởng tới tình yêu quê hương, đất nước, ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do và khát vọng thống nhất nước nhà của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 43: Phân tích bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm
Đánh giá bài viết