I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI 

.Tiểu dẫn

(1) Về truyền thuyết

   Các em đã được học khá kĩ về thể loại truyền thuyết ở lớp 6 với nhiều truyện như Con Rồng, Cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Thánh Gióng; Sơn. Tinh, Thủy Tinh, Truyền thuyết về Hồ Gươm. Ở đây, cân nhắc lại những đặc trưng cơ bản của thể loại này. Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các sự kiện và nhân vật có ảnh hưởng lớn lao đến lịch sử dân tộc, thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân ta đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử đó. Truyền thuyết phản ánh lịch sử theo cách riêng độc đáo của nó: lịch sử được kể lại ở đây đã khúc xạ qua những hình tượng nghệ thuật đậm màu sắc thần kì làm nên sức hấp dẫn của truyện. Đánh giá về truyền thuyết, Phạm Văn Đồng đã viết:

   “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử, mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lí tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích.”

                               (Nhân ngày giỗ Tổ Qua Hùng, báo Nhân dân,
                                                               số 549, ngày 29-4-1969)

(2) Về di tích lịch sử Cổ Loa

– Di tích lịch sử Cổ Loa (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) là những chứng tích để ta hiểu thêm truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, gồm một quần thể di tích như sau:

– Đền Thượng thờ An Dương Vương – vị vua đã kế tục sự nghiệp các vua Hùng dựng nên nhà nước Âu Lạc vào khoảng cuối thế kỉ thứ III trước Công nguyên;

– Am Bà Chúa thờ công chúa Mị Châu – con gái An Dương Vương;

– “Giếng Ngọc” trước cổng tam quan Đền Thượng, tương truyền đó là nơi Trọng Thủy lạo đầu xuống tự vẫn sau cái chết của Mị Châu;

– Bao quanh cụm đền, am là từng đoạn của vòng thành cổ chạy dài trên cánh đồng – đó là dấu vết còn lại của thành Cổ Loa chín vòng do An Dương Vương xây nên.

Toàn bộ cụm di tích là minh chứng lịch sử cho sự sáng tạo và lưu truyền chuỗi truyền thuyết về sự ra đời và suy vong của nhà nước Âu Lạc.

(3) Về chuỗi truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy 

Trong chuỗi truyền thuyết này, có hai lớp truyện nối tiếp nhau:

– Kể về quá trình An Dương Vương xây thành và chế tạo nỏ thần thành công nhờ sự giúp đỡ của thần Rùa Vàng (Kim Quy), thường gọi là truyện An Dương Vương.

– Kể về nguyên nhân khiến cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” liên quan đến mối tình giữa Mị Châu với Trọng Thủy, thường gọi là truyện Mị Châu – Trọng Thủy.

Mỗi truyện đi sâu vào một nội dung, nhưng cả hai lớp truyện đều xoay quanh một chủ đề thống nhất là dựng nước và giữ nước của chuỗi truyền thuyết này, thường gọi là Truyện Rùa Vàng hay Truyện Thần Kim Quy.

. Tìm hiểu văn bản đoạn trích Truyện Rùa Vàng 

Văn bản được trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh – Kiều Phú, với tiêu đề Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

Văn bản không dài, kể chuyện rõ, gọn theo lối kể dân gian. Trước khi đi vào từng câu hỏi cụ thể, các em cần đọc chậm vài lần để nắm được cốt truyện và hình dung được không khí của thời đại Âu Lạc ở nước ta.

1. Tìm hiểu và đánh giá nhân vật An Dương Vương

Dựa theo những câu hỏi gợi ý trong SGK, các em thử tìm hiểu xem An Dương Vương là một ông vua như thế nào và thái độ, tình cảm của nhân dân ta đối với ông vua đó ra sao? Dưới đây là một số gợi ý:

a) An Dương Vương được thần linh giúp đỡ vì đó là một ông vua yêu nước, có trách nhiệm cao đối với đất nước nên đã quyết tâm xây thành để giữ nước. Điều này thể hiện ở chỗ nhà vua đã kiên trì xây thành, “đắp thành này đã nhiều lần bằng lở, tốn nhiều công sức mà không thành”. Nhà vua đã lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần, tỏ rõ ý chí quyết tâm xây thành cho bằng được để giữ nước. Chính vì vậy mà Rùa Vàng đã đến để giúp vua xây thành. Việc nhà vua đón tiếp cụ già đến báo tin một cách trang trọng và “dùng xe bằng vàng” để rước Rùa Vàng vào trong thành đã nói lên niềm tha thiết muốn xây xong thành của An Dương Vương. Xây xong thành, ông vua ấy còn nghĩ đến việc chống giặc để giữ nước. Điều này đã khiến Rùa Vàng cảm động và sẵn sàng giúp đỡ: “Nhà vua ước muốn ta có tiếc chi”, rồi tháo vuốt đưa cho nhà vua làm lẫy nỏ thần. Và An Dương Vương đã sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy thành nỏ thần có sức mạnh ghê gớm đã khiến quân Triệu Đà thua to, phải xin cầu hòa. Phải là ông vua yêu nước, có ý chí giữ nước như An Dương Vương thì mới được thần linh giúp đỡ. Tưởng tượng ra sự giúp đỡ thần kì đó (xây thành nhanh chóng, vuốt rùa linh thiêng), dân gian muốn ca ngợi một ông vua yêu nước và có trách nhiệm với đất nước. Trong tâm thức nhân dân ta, An Dương Vương là một ông vua yêu nước đáng trân trọng và ca ngợi. Và lớp truyện đầu (An Dương Vương xây thành, chế nỏ thần) đã nói rõ tình cảm đó của nhân dân ta đối với vị vua của thời kì Âu Lạc. 

b) Nhưng sau đó, chính ông vua này lại mất cảnh giác trước những âm mưu xâm lược xảo trá của kẻ thù. Sự mất cảnh giác của An Dương Vương được biểu hiện ba lần, ngày càng cao, đến mức khó chấp nhận, cần phải phê phán:

– Đầu tiên là việc An Dương Vương chấp nhận việc cầu hôn của Triệu Đà, cho Trọng Thủy ở rể tại nước Âu Lạc của mình, như vậy có khác gì “nuôi ong tay áo”.

– Lần thứ hai, khi Triệu Đà cất quân đánh đến thành, An Dương Vương “vẫn điềm nhiên đánh cờ, cười mà nói rằng: “Đà không sợ nỏ thần sao?” Đây là một biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác cao độ của nhà vua.

– Lần thứ ba là lần mất cảnh giác nghiêm trọng nhất, không thể tha thứ được. Biết lẫy nỏ thần đã mất, tất phải nghĩ ngay đến người lấy chỉ có thể là Trọng Thủy, vậy mà vẫn “đặt Mị Châu ngồi đằng sau ngựa rồi cùng nhau chạy về phương Nam”. Làm như vậy có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”, và rõ ràng là Trọng Thủy đã theo dấu lông ngỗng đuổi nhà vua đến chỗ cùng đường.

c) Đối với dân gian, công và tội phải rạch ròi. Mất cảnh giác là điều đáng phê phán của An Dương Vương và nhà vua đã phải nhận cùng một lúc cả hai hậu quả đau xót: nước mấtnhà tan. Đích thân nhà vua đã phải rút kiếm chém con gái mình khi nghe lời kết tội của Rùa Vàng. Nhưng hành động đó lại chứng tỏ nhà vua đã đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của gia đình. Và đó chính là lòng yêu nước của An Dương Vương, trước sau vẫn vậy, không thể khác. Trong cái phút thử thách quyết liệt này, lòng yêu nước của nhà vua càng được bộc lộ rõ. 

   Chính vì vậy, tuy có mất cảnh giác chính trị để đến nỗi “cơ đồ đắm biển sâu”, nhưng trong tâm thức dân gian, An Dương Vương vẫn là một ông vua yêu nước, có công xây thành chế nỏ để giữ nước, được nhân dân yêu mến và ca ngợi như một phúc thần. Nếu dân gian để cho Thánh Gióng bay lên trời, thì An Dương Vương cũng được nhân dân để cho Rùa Vàng “rẽ nước dẫn vua đi xuống biển”. Và Đền Thượng thờ An Dương Vương ở Cổ Loa hàng năm vẫn nghi ngút khói hương đã nói lên tình cảm của người Việt Nam đối với vị vua đã dựng nên nhà nước Âu Lạc.

2. Tìm hiểu và đánh giá nhân vật Mị Châu

   Nếu An Dương Vương mất cảnh giác vì chủ quan khinh địch thì Mị Châu lại mất cảnh giác vì nhẹ dạ cả tin. Sự mất cảnh giác của Mị Châu cũng được biểu hiện qua ba lần, càng về sau càng nghiêm trọng, và đến lần cuối cùng thì không thể chấp nhận được:

– Lần thứ nhất là đưa nỏ thần (bí mật quốc gia) cho Trọng Thủy xem mà không hề nghi ngờ gì cả.

– Lần thứ hai, trong buổi chia tay, Trọng Thủy hỏi cách tìm nhau, nàng đã nói rõ cho chồng biết sẽ “rắc lông ngỗng để làm dấu” mà tuyệt nhiên cũng không có ý nghi ngờ nào cả trong câu hỏi có dụng ý của Trọng Thủy.

– Đến lần cuối, khi giặc đã đến, lẫy nỏ không còn, phải lên ngựa bỏ chạy cùng vua cha, lẽ ra phải biết đó là do âm mưu của Trọng Thủy, vậy mà trên đường chạy trốn nàng vẫn rắc lông ngỗng làm dấu, có khác gì chỉ đường cho giặc đuổi theo mình, Hai lần trước, còn có thể cho là vì quá yêu chồng mà làm như vậy, nhưng đến lần này thì Mị Châu đã quá u mê, không đủ sức tỉnh ngộ để nhận ra sự thực đã rành rành trước mắt với bản chất xảo trá của Trọng Thủy.

   Vì vậy không thể cho rằng làm một người vợ (lại ở thời phong kiến) thì Mị Châu phải tuyệt đối nghe và làm theo ý chồng. Rõ ràng trong trường hợp này, vì nghe và làm theo ý chồng mà đi đến bi kịch nước mất nhà tan (và tình yêu cũng không còn) như ta đã thấy trong kết cục của truyện. 

3. Mị Châu có tội (Rùa Vàng đã kết tội là giặc) nên đã bị vua cha chém đầu. Nhưng Mị Châu lại bị oan vì “bị người lừa dối” như nàng đã nói rõ trong lời khấn. Tội phải đền nhưng bạn cần được giải. Tác giả dân gian đã để cho máu Mị Châu hóa thành ngọc trai, xác nàng hóa thành ngọc thạch để minh oan cho nàng. Nàng khấn sao thì sự thực cũng là như vậy. Lời khấn đã được ứng nghiệm chứng tỏ lòng dạ trắng trong của nàng. Chẳng qua vì quá yêu chồng nên bị người lừa dối mà mắc tội. Người đời sau đã rất hiểu nàng nên mới có chứng tích “ngọc trai – giếng nước” để minh oan cho nàng, cho một người con gái mà “trái tim lầm chỗ để trên đầu” đã khiến cho cơ đồ nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” (theo ý thơ của Tố Hữu trong bài Tâm sự).

4. Tìm hiểu và đánh giá nhân vật Trọng Thủy

   Trọng Thủy là một nhân vật phức tạp. Trước hết y khoác áo gián điệp để thực hiện âm mưu nham hiểm, độc kế của vua cha Triệu Đà. Là gián điệp, nhưng trong vai người tình, sau đó là người chồng, y dễ bề đánh vào trái tim của Mị Châu để lừa nàng thực hiện quỷ kế của Triệu Đà. Hành động của y nham hiểm, có sắp đặt hẳn hoi: lừa lấy nỏ thần để đánh tráo, sau đó lại hỏi Mị Châu một câu đầy dụng ý để biết cách tìm đường đuổi An Dương Vương. Trước Trọng Thủy, Mị Châu chỉ là một cô gái ngây thơ, nhẹ dạ cả tin nên bị lừa là một điều tất yếu, không thể tránh khỏi.

   Ở giai đoạn đầu, Trọng Thủy là một con người đáng vạch mặt, lên án, và bằng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, tác giả dân gian đã phê phán nhân vật gián điệp này một cách khá sâu sắc. Nhưng khi Mị Châu chết, ôm xác vợ về táng ở Loa Thành thì lúc ấy tình yêu mới xuất hiện trong y. Điều này lí giải vì sao Trọng Thủy đã lao đầu xuống giếng tự vẫn. Trước đó, y chưa hề có tình yêu đối với Mị Châu mà chỉ đội lốt người yêu để dễ bề lừa Mị Châu, thực hiện âm mưu của vua cha (chính Mị Châu, trước khi chết, trong lời khấn đã nói rõ là “bị người lừa dối”). Cho nên, ở nhân vật này, không thể vừa là người tình vừa là gián điệp, mà phải phân biệt thành hai giai đoạn: trước là gián điệp và chỉ sau khi Mị Châu đã chết thì Trọng Thủy mới “thương tiếc khôn cùng”, lúc bấy giờ tình yêu mới xuất hiện, nên “khi đi tắm tưởng như thấy bóng dáng Mị Châu, bèn lao đầu xuống giếng mà chết.”

   Vì vậy, không nên hiểu hình ảnh “ngọc trai – giếng nước” là biểu tượng của tình yêu chung thủy của hai con người như trong câu thơ của Tản Đà: Ngọc trai nước giếng – Ngàn thu khói nhang cũng như của nhiều người khác mà phải hiểu đây chính là sự minh oan cho Mị Châu như đã nói trong câu 3 trên đây. (Đến cả Trọng Thủy cũng hiểu được nỗi oan của nàng nên giếng nước Trọng Thủy càng làm sáng thêm ngọc trai Mị Châu).

5.“Cốt lõi lịch sử của truyện và sự thần kì hóa của  truyền thuyết

   Cốt lõi lịch sử của truyện là sự ra đời và suy vong của nhà nước Âu Lạc, trong đó có sự kiện nổi bật là việc An Dương Vương xây Loa Thành, chế nỏ và tên đồng để giữ nước mà đến nay chứng tích vẫn còn. Tất cả đã được dân gian thần kì hóa bằng một chuỗi truyền thuyết li kì và hấp dẫn với việc Rùa Vàng giúp vua xây thành và cho vuốt làm lẫy nỏ thần để chống giặc và bị kịch Mị Châu – Trọng Thủy – một bi kịch đẫm nước mắt và máu với nhiều chi tiết hoang đường, kì ảo như ta đã thấy trong truyện.

II. LUYỆN TẬP

1. Các em có thể dựa vào phần phân tích câu 3 và câu 4 trên đây để trả lời câu hỏi này và nêu ý kiến riêng của mình.

2. Dân gian dựng đền và am thờ hai cha con An Dương Vương ngay cạnh nhau là một việc làm có ý nghĩa:

– An Dương Vương là ông vua yêu nước và có trách nhiệm với đất nước. Việc An Dương Vương chém đầu người con gái duy nhất của mình chứng tỏ nhà vua đã đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi gia đình, càng bộc lộ rõ lòng yêu nước của nhà vua.

– Mị Châu là người con gái trắng trong, vì nhẹ dạ cả tin nên đã bị Trọng Thủy lừa dối. Tuy bị Rùa Vàng kết tội, nhưng nàng cần được minh oan và tác giả dân gian đã minh oan cho nàng.

– Hai nhân vật này đều đáng được thờ, nhưng dân gian lại đặt đền và am thờ của họ cạnh nhau là để nói lên một điều quan trọng trong đạo lí truyền thống của dân tộc ta: đó là phụ tử tình thâm. Cho dù có phải chém đứa con gái duy nhất của mình vì đại sự quốc gia (đó là việc buộc An Dương Vương phải làm và trong trường hợp này, hành động của nhà vua là đúng) nhưng cha con vẫn là cha con, làm sao không đau xót được? Chính vì thế, dân gian muốn kiếp sau và mãi mãi họ vẫn được ở gần nhau, bên nhau như cha con trong một nhà. Ý nghĩa của việc dựng đền và am thờ hai cha con An Dương Vương ngay cạnh nhau thật là sâu sắc.

3. Giới thiệu một số bài thơ viết về Mị Châu – Trọng Thủy:

                           MỊ CHÂU TRỌNG THỦY

                     Một đôi kẻ Việt người Tần,

                     Nửa phần ân ái nửa phần oán thương.

                     Vuốt rùa chàng đổi máy,

                     Lông ngỗng thiếp đưa đường

                     Thề nguyền phu phụ,

                     Lòng nhi nữ,

                     Việc quân lương,

                     Duyên nợ tình kia dở dở dang.

                     Nệm gấm có câu,

                     Trăm năm giọt lệ.

                     Ngọc trai nước giếng,

                     Ngàn thu khói nhang.

                                                                 (Tản Đà)

                                 TÂM SỰ

                    Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu

                    Trái tim lầm chỗ để trên đầu

                    Nỏ thần vô ý trao tay giặc

                    Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

                                                              (Tố Hữu)

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 4: Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy
Đánh giá bài viết