BÀI LÀM 

Tác giả Huy Cận đã lấy bước đi của thời gian để khắc họa những công việc nặng nhọc của ngư dân trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Họ ra khơi từ khi hoàng hôn và trở về lúc rạng sáng với bao thành quả sau một ngày lao động vất vả. Hai khổ cuối bài thơ đã khắc họa cảnh kéo lưới lúc mờ sáng và cảnh đoàn thuyền căng gió lộng trở về.

Bài thơ mở đầu bằng “mặt trời xuống biển” và kết thúc bằng “mặt trời đội biển” phản ánh một đêm lao động trọn vẹn của ngư dân trên biển. Các khổ thơ đầu trong bài thơ đã diễn tả cảnh ra khơi, đánh cá. Đến hai khổ thơ cuối thể hiện đêm lao động qua nhanh, đoàn thuyền mang cá trở về bến:

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng…  
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi

Cảnh kéo lưới diễn ra lúc “sao mờ”- lúc trời gần sáng. Chữ “kịp” thể hiện tinh thần khẩn trương, hối hả của ngư dân lúc kéo lưới. Tất cả cảnh và người dưới ngòi bút của Huy Cận hiện lên với vẻ đẹp đầy lãng mạn.

Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng,     
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.      
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông, 
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

 Bao hồi hộp và hi vọng đón chờ. Động tác “kéo xoăn tay chùm cá nặng” cho thấy kết quả của buổi làm việc vất vả đã được đền đáp xứng đáng. Hình ảnh những khoang thuyền đầy cá “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông?”. Có thể nói những câu thơ tả cá là những câu thơ đẹp nhất, sáng tạo nhất ở cách phối sắc, cách sử dụng những hình ảnh hoán dụ. Dưới ánh rạng đông lóe lên, cá nằm đầy khoang được phản chiếu càng ánh lên màu vàng, màu bạc thể hiện niềm vui của người dân. Bài thơ miêu tả cảnh đánh cá đêm trên biển nhưng tác giả không trực tiếp khắc họa những hình ảnh, những động tác lao động. Vậy mà người đọc vẫn hình dung được toàn bộ không khí lao động với niềm say mê, hào hứng qua âm thanh tiếng hát gọi cá, qua động tác lao động khỏe khoắn.

Bài thơ kết thúc bằng khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về ” sau một đêm lao động khẩn trương đầy âm thanh.

Câu hát căng buồm với gió khơi,       
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. 
Mặt trời đội biển nhô màu mới,           
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.      

Nếu như ở khổ thơ đầu có tiếng hát mang niềm vui của những người đi chinh phục thiên nhiên, ở khổ 5 có tiếng hát gọi cá thể hiện vẻ hào hứng trong công việc thì ở khổ thơ cuối tiếng hát diễn tả sự phấn khởi của những con người chiến thắng đang trở về với những khoang thuyền đầy cá. Họ trở về trong tư thế mới “chạy đua cùng mặt trời”. Từ “chạy đua” thể hiện khí thế lao động mạnh mẽ, sức lực vẫn dồi dào của người lao động. Đoàn thuyền được nhân hóa, cả mặt trời cũng tham gia vào cuộc chạy đua này và kết quả con người đã chiến thắng. Trở về không có nghĩa là công việc đã kết thúc. “Mặt trời đội biển” nhô lên, mang một màu mới – cái mới mẻ tinh khôi của một bình minh trên biển, hay cũng chính là một ngày mới, một cuộc sống mới đang bắt đầu đối với những người lao động thực sự làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời. Bài thơ khép lại nhưng ý thơ mở ra đến vô cùng với hình ảnh “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” Câu thơ này cũng cho thấy bút pháp lãng mạn của Huy Cận. Hình ảnh “mắt cá” được phản chiếu ánh rạng  đông càng trở nên huy hoàng. Một tương lai huy hoàng, đầy hứa hẹn đang chờ đón những con người lao động ấy.

“Đoàn thuyền đánh cá” là một bài thơ ca ngợi cuộc sống mới, con người mới. Bài thơ tràn ngập niềm vui phơi phới, niềm say sưa hào hứng và những ước mơ bay bổng của con người muốn chinh phục thiên nhiên bằng công việc lao động của mình. Đây cũng là bài ca ca ngợi vẻ đẹp lộng lẫy, hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên đất nước qua cái nhìn và tâm trạng hứng khởi của nhà thơ. Bài thơ vừa cổ kính vừa mới mẻ trong hình ảnh, ngôn ngữ. Âm hưởng bài thơ vừa khỏe khoắn, sôi nổi lại phơi phới bay bổng. Điều đó góp phần tạo nên sức hấp dẫn đi cùng năm tháng của bài thơ.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 37: Phân tích cảnh kéo lưới lúc mờ sáng và cảnh đoàn thuyền căng gió lộng trở về qua hai khổ thơ cuối bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.
Đánh giá bài viết