Bài tổng kết này nhằm giúp các em nắm lại một cách hệ thống toàn bộ những kiến thức cơ bản đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 10, trên cơ sở đó vận dụng vào việc phân tích văn học theo từng cấp độ : ngôn ngữ, hình tượng văn học, sự kiện, tác gia, tác phẩm.

   Bài tổng kết được tiến hành bằng cách trả lời các câu hỏi ôn tập và thực hiện các bài tập vận dụng theo dạng thống kê (bảng, biểu) hoặc phân tích văn học (các cấp độ). Tất cả gồm 7 câu hỏi (bài tập) có thể xem là 7 nội dung lớn của phần văn học lớp 10:

– Về bài Tổng quan văn học Việt Nam

– Về văn học dân gian Việt Nam

– Về văn học viết Việt Nam (chung)

– Về văn học viết từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.

– Hai nội dung lớn của văn học trung đại Việt Nam

– Phần Văn học nước ngoài

– Phần Lí luận văn học

   Các em cần nghiên cứu kĩ các câu hỏi (bài tập) nói trên, chuẩn bị trả lời trước (có thể trả lời bằng dàn ý, hoặc hướng giải các bài tập phân tích văn học) để đến lớp tiến hành ôn tập, tổng kết có kết quả. (Khi ôn tập và trả lời các câu hỏi cần chú ý đến phần Ghi nhớ cuối mỗi bài học, vì đó là những kiến thức cơ bản đã cô đúc lại).

   Dưới đây là một số gợi ý để các em tham khảo trả lời từng câu hỏi. Có câu hỏi chỉ nêu hướngnội dung cơ bản (các em cần chi tiết hóa thêm), có câu giải đáp cụ thể hơn nhằm giúp các em dựa theo đó mà trả lời các câu hỏi khác.

1. Hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết của nền văn học dân tộc

   Văn học Việt Nam gồm hai bộ phận lớn : văn học dân gianvăn học viết. Các bộ phận đó mang đặc điểm chung của nền văn học dân tộc và có những đặc điểm riêng cần chú ý.

   a) Đặc điểm chung : Mang truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn học nước ngoài, hai nội dung lớn xuyên suốt là yêu nước và nhân đạo.

   b) Đặc điểm riêng: Có thể thấy trong bảng so sánh dưới đây:

ĐẶC ĐIỂM VĂN HỌC DÂN GIAN VĂN HỌC VIẾT
Thời điểm ra đời Ra đời sớm, từ khi chưa có chữ viết Ra đời khi có chữ viết
Tác giả Sáng tác tập thể (nhân dân lao động) Sáng tác cá nhân (trí thức)
Hinh thức lưu truyền Truyền miệng ( quá trình diễn xướng dân gian) Chữ viết (văn bản)
Hình thức tồn tại Tồn tại trong đời sống nhân dân, trong các sinh hoạt của đời sống cộng đồng, đặc biệt trong các môi trường lễ hội, diễn sướng…. Cố định thành các văn bản viết, mang tính độc lậ của một tác phẩm văn học, tồn tại qua văn bản được lưu giữ
Vai trò, vị trí Vai trò làm nền của văn học dân tộc vai trò nâng cao và kết tinh những thành tựu nghệ thuật của văn học dân tộc

 2. Văn học dân gian Việt Nam

a) Nêu và phân tích ba đặc trưng cơ bản của văn học dân gian:

– Là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tính truyền miệng)

– Là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể)

– Gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng (tính thực hành)

b) Kể các thể loại văn học dân gian Việt Nam và nêu vắn tắt đặc trưng của từng thể loại (chú ý các thể loại được học ở lớp 10).

c) Nêu và phân tích rõ ba giá trị của văn học dân gian Việt Nam:

– Giá trị nhận thức (Kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc)

– Giá trị giáo dục (Có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người)

– Giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc.

d) Sau đó các em trả lời câu bcâu c ở trang 169 (Xem lại các tác phẩm và đoạn trích đã học về sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ca dao, truyện thơ, tục ngữ)

3. Bộ phận văn học viết của nền văn học Việt Nam 

Văn học viết Việt Nam chia thành hai thời kì lớn :

– Văn học trung đại (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX)

– Văn học hiện đại (từ đầu thế kỉ XX đến hết thế kỉ XX)

   Dưới đây là những gợi ý về đặc điểm chung và đặc điểm riêng của hai | thời kì văn học này.

a) Đặc điểm chung :

– Phản ánh hai nội dung lớn là yêu nước và nhân đạo.

– Thể hiện tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam trong bốn mối quan hệ :

+ Quan hệ với thế giới tự nhiên

+ Quan hệ quốc gia dân tộc

+ Quan hệ xã hội .

+ Ý thức về bản thân

b) Đặc điểm riêng : Có thể thấy đặc điểm riêng của từng thời kì qua bảng so sánh dưới đây :

ĐẶC ĐIỂM VĂN HỌC TRUNG ĐẠI (Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX) VĂN HỌC HIỆN ĐẠI (Từ đầu thế kỉ XX  đến hết thế kỉ XX
Chữ viết Chữ Hán và chữ Nôm Chủ yếu là chữ quốc ngữ
Thể loại – Thể loại tiếp thu từ Trung Quốc: cáo, hịch, phú, thơ Đường luật, truyền kì, tiểu thuyết chương hồi,…
– Thể lạoi sáng tạo trên cơ sở tiếp thu: thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm,…
– Thể loại văn học dân tộc: truyện thơ, ngâm khúc, hát nói,…
– Thể loại tiếp biến từ văn học trung đại: thơ Đường luật, câu đối,…
– Thể loại văn học hiện đại: thơ tự do, truyện ngắn, tiểu thuyết, các loại kí (kí sự, tùy bút, phóng sự,…), kịch nói, …
Thi pháp – Thi pháp văn học trung đại(tính quy phạm, bút pháp ước lệ, tượng trưng, dùng nhiều điển tích của văn học Trung Quốc,…) – Thi pháp văn học hiện đại (chú ý ” cái tôi – cảm xúc “, bút phảp tả thực, có nhiều cách tân nghệ thuật,…)
Tiếp thu từ nước ngoài – Tiếp thu văn hóa, văn học Trung Quốc  -Tiếp thu văn hóa, văn học phương Tây (chủ yếu là Pháp)

 4. Văn học viết từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX (văn học trung đại)

Cần chú ý đến các nội dung sau đây :

a) Hai thành phần văn học : văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. 

b) Bốn giai đoạn văn học :

– Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV

– Từ thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII

– Từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX

– Nửa cuối thế kỉ XIX

c) Những đặc điểm về nội dung của văn học trung đại : Hai nội dung lớn xuyên suốt là nội dung yêu nước và nội dung nhân đạo :

+ Nội dung yêu nước với những biểu hiện phong phú, đa dạng vừa phản ánh truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, vừa chịu sự tác động của tư tưởng “trung quân ái quốc” (Phân tích và chứng minh qua các tác phẩm Tỏ lòng, Phú sông Bạch Đằng, Đại cáo bình Ngô)

+ Nội dung nhân đạo bắt nguồn từ truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng tư tưởng tích cực vốn có của Nho, Phật, Đạo. (Nội dung nhân đạo Phật giáo được thể hiện qua bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người; Lão giáo, Nho giáo qua Vận nước; Nho giáo qua Tỏ lòng, Nhàn,....). Nội dung nhân đạo được thể hiện sâu sắc, có nhiều nét mới mẻ qua các trích đoạn Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và bài thơ Đọc “Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du. (Các em nêu một số biểu hiện về nội dung nhân đạo qua các bài này)

d) Thống kê các thể loại và nêu những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học trung đại. Phần này các em tự trả lời theo yêu cầu của câu hỏi, theo bảng mẫu trong SGK (trang 170)

5. Phân tích và chứng minh hai nội dung lớn của văn học trung đại Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo.

   Câu hỏi này SGK gợi ý rất đầy đủ và cụ thể, cả phần phân tích chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo cũng như gợi ý cho các em những tác phẩm để chứng minh cho hai nội dung lớn đó. Các em có thể dựa vào phần gợi ý này để trả lời câu hỏi. Về phân tích tác phẩm, chỉ cần chọn những tác phẩm tiêu biểu để phân tích nhằm làm sáng tỏ các nội dung đó. Ví dụ :

– Về nội dung yêu nước : Đại cáo bình Ngô, Tỏ lòng,…..

– Về nội dung nhân đạo : đoạn trích Chinh phụ ngâm, đoạn trích Nỗi  thương mình (Truyện Kiều),…

6. Phần văn học nước ngoài

a) So sánh các thiên sử thi : Đăm Săn (Việt Nam), Ô-đi-xê (Hi Lạp), Ra-ma-ya-na (Ấn Độ)

Gợi ý :

– Nét chung :

+ Về chủ đề : đều hướng tới những vấn đề chung của cả cộng đồng. Cả 3 sử thi đều là bức tranh rộng lớn, phản ánh hiện thực đời sống và tư tưởng con người thời cổ đại.

+ Về nhân vật : tiêu biểu cho sức mạnh lí tưởng của cộng đồng, mang vẻ đẹp lí tưởng, được xây dựng thành những con người phi thường, kì vĩ, xuất chúng.

+ Về nghệ thuật sử thi: ngôn ngữ mang vẻ đẹp trang trọng, hình tượng nghệ thuật kì vĩ, mĩ lệ, trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

– Nét riêng:

Các em đọc lại ba tác phẩm (trích đoạn) để tìm ra nét riêng của từng sử thi.

b) Nét đặc sắc của thơ Đường (Trung Quốc): sự cô đúc, nén chặt, hàm chứa ý nghĩa làm nên nét đẹp của Đường thi : ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời)

– So sánh Đường thi với thơ hai-cư của Nhật Bản. Gợi ý : Cả hai loại thơ này đều hàm súc, cô đúc, ý tại ngôn ngoại, nhưng vẫn có nét riêng khác nhau. Hãy tìm nét riêng của từng loại thơ.

c) Đoạn trích Hồi trống Cổ Thành trong Tam quốc diễn nghĩa có nghệ thuật kể chuyện khéo léo, kịch tính phát triển nhanh, đẩy lên cao, thắt nút và mở nút khéo (với việc Sái Dương xuất hiện đột ngột và hồi trống trận vang lên) và nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật tài tình (hai nhân vật Trương Phi và Quan Công hiện lên rất sinh động, gây ấn tượng mạnh mẽ qua ngôn ngữ và hành động).

7. Phần lí luận văn học (văn bản văn học)

Có 4 câu hỏi a, b, c, d. Các em có thể dựa vào bảng tổng hợp dưới đây để trả lời đầy đủ và cụ thể hơn :

VĂN BẢN VĂN HỌC
Tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học Cấu trúc của văn bản văn học Các yếu tố thuộc nội dung văn bản văn học Các yếu tố thuộc hình thức văn bản văn học
– Phản ánh thế giới con người – Tầng ngôn từ – Đề tài – Ngôn từ
– Xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật – Tầng hình tượng – chủ đề
– Tư tưởng
– Kết cấu
– Thuộc một thể loại nhất định – Tầng hàm nghĩa – Cảm hứng nghệ thuật – Thể loại

 

Bài 34: Tổng kết phần văn học
Đánh giá bài viết