LUYỆN TẬP

Đây là bài luyện tập về văn bản gồm 4 bài tập cụ thể ở nhiều dạng khác nhau nhằm củng cố các kiến thức về văn bản đã học trong bài 2. Vì vậy, trước khi thực hiện các bài tập, các em cần đọc lại bài Văn bản (SGK, tr.26), chú ý đến phần Ghi nhớ.

Dưới đây là một số gợi ý để các em có thể tự giải các bài tập.

Bài tập 1: Yêu cầu khẳng định đoạn văn trong SGK là một văn bản và đặt nhan đề cho văn bản đó.

a) Trả lời các câu hỏi để khẳng định đoạn văn là một văn bản:

– Đoạn văn có một chủ đề thống nhất. Chủ đề đó đã được nêu rõ ở câu 1: Giữa cơ thể và môi trường có ảnh hưởng qua lại với nhau.

– Các câu trong đoạn có quan hệ với nhau để phát triển chủ đề chung: vừa nêu ý để giải thích, vừa nêu dẫn chứng để chứng minh nhằm cụ thể hóa ý khái quát ở câu 1. Có thể thấy cách sắp xếp ý qua từng câu trong đoạn văn như sau:

+ Câu 1: Nêu chủ đề (ý khái quát).

+ Câu 2: Phát triển thành ý: “Môi trường có ảnh hưởng tới mọi đặc tính của cơ thể.”

+ Câu 3: Chuyển tiếp giữa phần nêu ý (giải thích) và phần nêu dẫn chứng (chứng minh).

+ Câu 4: Nêu dẫn chứng 1: cây đậu Hà Lan và cây mây.

+ Câu 5: Nêu dẫn chứng 2: cây xương rồng và cây lá bỏng.

– Nhờ cách sắp xếp ý như trên, đọc đoạn văn ta thấy ý chung của đoạn đã được triển khai rõ ràng.

b) Có thể đặt nhan đề cho đoạn văn trên như sau:

ẢNH HƯỞNG CỦA MÔI TRƯỜNG TỚI CƠ THỂ
                             CỦA CÁC LOÀI THỰC VẬT

Bài tập 2: Yêu cầu sắp xếp lại những câu đã cho thành một văn bản hoàn chỉnh, mạch lạc và đặt cho nó một nhan đề phù hợp.

a) Đọc và xác định ý từng câu, sau đó sắp xếp lại theo đúng mạch lạc để thành một văn bản hoàn chỉnh. Thứ tự các câu được sắp xếp lại như sau:

b) Nhan đề có thể là: Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu.

Bài tập 3: Yêu cầu viết một số câu tiếp theo câu văn đã cho để thành một văn bản nhỏ và đặt nhan đề cho nó.

a) Câu văn cho sẵn chính là câu nếu chủ đề (còn gọi là câu chủ đề): “Môi trường sống của loài người hiện nay đang bị hủy hoại ngày càng nghiêm trọng”. Những câu viết tiếp theo phải phát triển ý khái quát trong câu chủ đề này (có thể nêu ý để giải thích thêm hoặc nếu dẫn chứng để chứng minh cho rõ) để tạo thành một văn bản có nội dung thống nhất, trọn vẹn.

   Các em có thể xem văn bản mẫu ở bài tập 1 để tham khảo, học tập cách viết. Ở văn bản này, câu 1 cũng là câu chủ đề, các câu tiếp theo nhằm phát triển ý trong câu chủ đề đó. Cách viết những câu tiếp theo câu chủ đề (cho sẵn) ở bài tập này cũng như vậy.

b) Tùy nội dung các câu viết tiếp theo của em mà đặt một nhan đề phủ hợp với văn bản của mình.

Bài tập 4: Yêu cầu viết một lá đơn xin phép nghỉ học sao cho thành một văn bản đáp ứng các yêu cầu đã nêu trong SGK.

   Các yêu cầu SGK gợi ý không có gì khó, các em đã học ở trung học cơ sở cách viết đơn. Đây là văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính, cần xem lại bài Đơn từ ở lớp 6 để làm bài này.

• Bài tập bổ sung: Yêu cầu đặt nhan đề cho bài ca dao:

                               Rủ nhau xuống biển mò cua

                      Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

                               Em ơi chua ngọt đã từng

                      Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau.

Gợi ý:

   Tuy chỉ có bốn dòng thơ nhưng bài ca dao vẫn là một văn bản hoàn chỉnh, thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Bài ca dao đã tập trung nhất quán vào một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách trọn vẹn. Muốn đặt nhan đề cho bài ca dao cần xét xem chủ đề của nó là gì, từ đó mà nghĩ ra một nhan đề phù hợp.

   Đọc bài ca dao, ta thấy hai câu trên kể lại những công việc làm ăn của con người (ở đây có thể là hai người bạn tình hoặc hai vợ chồng) để đi đến hai câu dưới là lời khuyên về cách sống:

                                  Em ơi chua ngọt đã từng

                       Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau.

   Rõ ràng bài ca dao đề cập đến tình nghĩa thủy chung của con người trong cuộc sống. Đó là chủ đề của văn bản nghệ thuật này. Từ chủ đề đó, ta có thể đặt nhan đề cho bài ca dao như sau: Tình nghĩa thủy chung của người lao động hoặc lấy câu cuối làm nhan đề: Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau. (Các em tìm thêm nhan đề khác theo suy nghĩ của mình miễn là phù hợp với chủ đề của văn bản).

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 3: Văn bản (tiếp theo)
Đánh giá bài viết