BÀI LÀM 

Mỗi tác phẩm văn học tồn tại, bên cạnh việc mang lại những giá trị tinh thần to lớn thì nó còn phản ánh hiện thực và khát vọng vươn lên trong cuộc sống của con người. Bởi trong xã hội vẫn còn những bất công, đặc biệt là trong xã hội phong kiến, con người bất lương vẫn còn tồn tại phổ biến. Những con người phản diện, đại diện cho cái ác, cái xấu cũng được miêu tả trong văn học rất nhiều ví như nhân vật Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều. Một nhân vật nữa cũng đại diện cho cái xấu trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu mà chúng ta có thể thấy đó là Trịnh Hâm trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”.

Trong “Truyện Lục Vân Tiên” lực lượng đại diện cho cái ác, cái xấu khá mạnh (thái sư, cha con Võ Công, Bùi Kiệm, Trịnh Hâm,…). Chúng đại diện cho khá nhiều tầng lớp trong xã hội. Qua các nhân vật này ta có thể hình dung ra sự khủng hoảng nghiêm trọng của xã hội phong kiến khi đã vào giai đoạn suy tàn. Kỉ cương trật tự xã hội lỏng lẻo, đạo đức xuống cấp, cái ác được thời cơ hoành hành.

Ở đoạn trích này, cái ác hiện hình qua nhân vật Trịnh Hâm với những hành động độc ác, nhẫn tâm vô độ:

Đêm khuya lặng lẽ như tờ, 
Nghinh ngang sao mọc mịt mờ sương bay.
Trịnh Hâm khi ấy ra tay,
Vân Tiên bị gã xô ngay xuống vời. 

Trước đó, Vân Tiên về chịu tang mẹ, dọc đường bị đau mắt rồi bị mù. Chàng gặp Trịnh Hâm và bị hãm hại. Trịnh Hâm lừa tiểu đồng của Lục Vân Tiên vào rừng, trói vào gốc cây rồi nói dối là bị cọp vồ. Sau đó, đang đêm, hắn đẩy Lục Vân Tiên xuống sông. Lúc Vân Tiên đang cần sự giúp đỡ nhất thì Trịnh Hâm lại thực hiện hành động bất nhân, bội nghĩa. Trịnh Hâm xuất hiện trong vai một người bạn. Vân Tiên cậy nhờ và Trịnh Hâm cũng hứa hẹn sẽ đưa Vân Tiên về nhà. Nhưng đó chỉ là một lời hứa hão, trong lòng Trịnh Hâm đã nuôi sẵn âm mưu hãm hại Vân Tiên chỉ vì tính đố kị, ganh ghét tài năng của bạn và lo cho con đường tiến thân của mình. Bởi vì Trịnh Hâm và Vân Tiên gặp gỡ nhau trên đường ra kinh ứng thí, nhưng Vân Tiên vốn là người tài giỏi nên bị ganh ghét. Lúc này, Vân Tiên đã là một người tàn tật vậy mà Trịnh Hâm vẫn hãm hại chàng. Điều này cho thấy sự nhẫn tâm của hắn. Tội ác của hắn được sắp đặt theo một kế hoạch kĩ lưỡng, có toan tính, có âm mưu. Khi Vân Tiên chỉ còn một chỗ dựa duy nhất là hắn thì hắn mới ra tay hãm hại và hành động hãm hại ấy lại được sắp đặt một cách chặt chẽ:

Trịnh Hâm giả tiếng kêu trời,
Cho người thức dậy lấy lời phui pha. 

 Sự ma mãnh, xảo quyệt đã giúp cho Trịnh Hâm thoát tội, mọi người trên thuyền đều tỏ lời thương xót chàng Vân Tiên xấu số mà không hề mảy may nghi ngờ thủ phạm là Trịnh Hâm. Chi tiết này càng tô đậm sự bất nhân, mất hết nhân tính của Trịnh Hâm. Hành động của hắn khác hoàn toàn với một con người có lương tâm.

Qua đó, có thể thấy rõ tâm địa xấu xa, độc ác đã ăn sâu vào tim gan và trở thành bản chất của Trịnh Hâm. Điều đáng nói ở đây là kẻ có dã tâm độc ác lại đội lốt một sĩ tử, có hiểu biết chữ nghĩa, từng dùi mài kinh sử, được tiếp thu đạo lí Nho giáo. Cũng chính vì vậy mà hành động bất nhân, bất nghĩa được nhân lên gấp bội. Qua nhân vật này, nhà thơ muốn cảnh báo về sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội thời ấy.

Chỉ bằng tám dòng thơ, tác giả đã kể lại được hành động giết Lục Vân Tiên tàn nhẫn, bất nghĩa của Trịnh Hâm, đồng thời lên án, tố cáo bộ mặt tàn ác, giả dối của những kẻ có học mà người thường không thể phát hiện ra được. Lời thơ được sắp xếp nhanh gọn, hợp lí, diễn tả được cái nhanh, bất ngờ của tình huống.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 26: Phân tích sự gian manh, xảo quyệt của nhân vật Trịnh Hâm trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” trích “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu
5 (100%) 1 vote