I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

• Tiểu dẫn

Cần nắm được :

– Tác giả : Ngô Sĩ Liên là nhà sử học lớn của dân tộc, có nhiều công lao trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư theo lệnh của vua Lê Thánh Tông.

– Tác phẩm : Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử lớn của Việt Nam thời trung đại, hoàn tất năm 1497, gồm 15 quyển, ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng cho tới khi Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428). Đại Việt sử kí toàn thư được biên soạn dựa trên cơ sở sách Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu ở thời Trần và Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên ở đầu thời Lê. Tác phẩm thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học cao.

• Văn bản

   Đây là đoạn văn ghi chép về một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần : Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Cần đọc chậm một lần để nắm được chân dung và tính cách nhân vật, sau đó đọc kĩ từng đoạn, chú ý đến các sự việc sau đây :

– Lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước.

– Việc Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn hỏi ý kiến hai người gia nô cùng hai người con.

– Việc Trần Quốc Tuấn dặn con lo liệu cho cái chết của mình. ..

– Chi tiết “tráp đựng kiếm có tiếng kêu” ở cuối đoạn trích.

Trong khi đọc, cần chú ý đến cách ghi chép sử, cách kể chuyện về một nhân vật lịch sử của người xưa (có gì đặc biệt, khác với cách kể chuyện trong văn học hiện đại).

Dưới đây là một số gợi ý để các em trả lời các câu hỏi trong SGK.

1. Em rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước ?

Trước hết, đó là một nhà chiến lược quân sự tài giỏi, dụng binh như thần. Qua lời trình bày với vua về kế sách giữ nước, ông đã dẫn đủ xưa, nay, địch, ta để chứng minh cho chủ kiến của mình. Ông tỏ ra thông hiểu sâu sắc mọi trận đánh, mọi cách đánh, biết rõ địch, ta để đề ra được những kế sách giữ nước tốt nhất, có hiệu quả nhất. Binh pháp như thuộc lòng trong trí óc, nắm chắc trong lòng bàn tay, ông nói với vua những điều thật cơ bản về chiến lược bảo vệ tổ quốc : “Nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản (binh) chế trường (trận) là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cần thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy,…”.

Nhưng sức mạnh của công cuộc bảo vệ Tổ quốc, điều cơ bản cốt lõi nhất trong kế sách giữ nước mà Trần Quốc Tuấn muốn trình bày với vua là gì? Đó chính là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn kết muôn người như một trước họa xâm lăng. Kể về các trận đánh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, ông luôn nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng nhất làm nên thắng lợi là nhân dân trong cuộc chiến tranh của toàn dân để giữ nước : “nhân dân làm kế thanh dã” (vườn không nhà trống), “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa”, “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt”, “có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”. Và theo ông, cái kế sách giữ nước then chốt nhất mà bất cứ thời nào cũng phải có, cũng phải đề lên hàng đầu là an dân vệ quốc : “Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Tóm lại, qua lời trình bày kế sách giữ nước với vua, ta thấy Trần Quốc Tuấn là một vị tướng tài ba, có tầm nhìn xa rộng, có quan điểm nhân dân sâu sắc trong công cuộc chống xâm lăng, bảo vệ đất nước. Đó là một vị tướng toàn tài, yêu nước và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân trong công cuộc giữ nước.

2. Ý nghĩa của sự việc Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn hỏi ý kiến hai người gia nô cùng hai người con. .

   Đây là một chi tiết đặc biệt quan trọng bộc lộ rõ phẩm chất và tính cách của Trần Quốc Tuấn, được tác giả kể lại một cách xúc động.

   Chúng ta điều biết thân phụ Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương vốn có hiềm khích với Trần Thái Tông, nên lúc sắp mất đã có lời giới giăng mong muốn Trần Quốc Tuấn sẽ vì ông mà “lấy được thiên hạ” (có nghĩa là cướp ngôi vua). Đây là một thử thách lớn đối với Trần Quốc Tuấn : bên cha (hiếu), bên vua (trung), xử lý thế nào cho phải ? Hãy theo dõi chi tiết truyện đặc sắc này để nhận rõ chân dung nhân vật.

Trước hết, “Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải”. Mặc dầu đã có chủ kiến, nhưng ông vẫn hỏi ý kiến mọi người để tham khảo.

Đầu tiên, ông hỏi hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Họ đều can ông : “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm”. Ông “cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người”, chính vì họ đã nói đúng điều ông suy nghĩ. Sau đó, ông lại hỏi ý kiến người con cả là Hưng Vũ Vương. Tác giả Đại Việt sử kí toàn thư viết hai chữ “vờ hỏi” thật tinh tế mà cũng thật khéo. Đây là hỏi con trai, nên Quốc Tuấn chỉ “vờ hỏi” (chứ không hỏi thật như hai người gia nô) nhằm mục đích thăm dò người ruột thịt. Câu hỏi cũng mang sắc thái chung, chứ không nói cụ thể :

– Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào ?

Dường như hiểu được ý cha, người con cả đã trả lời :

– Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ ! 

   Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Như vậy bài toán đã thử xong và đã có đáp số. Cả gia nô thân tín và đứa con ruột thịt đều nói đúng ý ông. Để chắc chắn hơn, ông thử thêm đứa con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Và khi nghe Quốc Tảng nói trái ý mình, ông đã có phản ứng tức thì – một phản ứng như không thể kìm được mà phải bật ra ngay bằng hành động cụ thể : “Quốc Tuấn rút gươm kể tội : – Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”. Người con cả phải chạy tới xin cha cha chết cho em, nhưng ông còn căn dặn : “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”. Mới biết ông căm ghét đứa con bất trung, bất hiếu đến thế nào, bởi những người như ông không thể nào chịu nổi những lời nói phản trắc của Quốc Tảng, cho dù đó là lời nói của chính đứa con ruột thịt của mình.

   Sự việc trên đây cho thấy Quốc Tuấn là một vị tướng yêu nước, luôn đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi của gia đình. Trong chế độ phong kiến, yêu nước có nghĩa là trung với vua, và ở đây, trong hoàn cảnh éo le đầy thử thách này, chữ “trung” của ông càng bộc lộ sáng ngời hơn bao giờ hết. Ông đã biết dẹp bỏ hiềm khích của gia đình để tập trung toàn tâm trí, sức lực cho việc nước, nhất là trong hoàn cảnh đất nước luôn đứng trước họa xâm lăng. Việc ông rút gươm định chém Quốc Tảng là một minh chứng rõ ràng cho lòng “trung quân ái quốc” của ông. Và không chỉ có thế, qua sự việc này, ta còn thấy phẩm chất trí tuệ minh mẫn của Quốc Tuấn khi ông biết phân biệt rõ đúng sai, phải trái, xác định rõ đâu là hiềm khích của gia đình và đâu là đại sự của quốc gia. Chính vì thế, trước lời giới giảng tha thiết của cha, ông “ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.” Đoạn kể lại sự việc này còn cho ta thấy Quốc Tuấn là một con người thận trọng, chín chắn trong công việc (dù chỉ là việc riêng trong gia đình) đồng thời lại là một con người thẳng thắn, có chủ kiến, quyết đoán trong hành động của mình.

3. Qua đoạn trích, nổi bật những đặc điểm gì về nhân cách của Trần Quốc Tuấn ? Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của tác giả khéo léo như thế nào ?

Qua đoạn trích, nổi bật những đặc điểm về nhân cách của Trần Quốc Tuấn. Đó là :

– Một con người yêu nước, trung nghĩa, toàn tâm toàn ý lo cho vận mệnh của nước, của dân, bao giờ cũng đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết.

– Một bậc anh hùng, một vị tướng có tài mưu lược, nắm vững binh pháp trong tay, có con mắt nhìn xa trông rộng.

– Biết hi sinh quyền lợi gia đình, biết phân biệt rõ đúng sai, phải trái trong xử thế, không ham danh vọng quyền lợi cho bản thân (chi tiết ông chỉ cho họ làm “lang tướng giả” với lời bình của người viết : “ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy”).

– Cẩn thận, chu đáo trong mọi việc (lo nghĩ tới việc sau khi mất thật kĩ lưỡng).

– Trọng dụng người tài và khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước,….

   Tóm lại, đoạn trích đã khắc họa đậm nét một nhân cách vĩ đại, sống bất tử trong lòng dân tộc.

Để nêu bật nhân cách vĩ đại đó, tác giả đã sử dụng một nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật khéo léo :

– Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ, nhiều tình huống thử thách để bộc lộ rõ phẩm chất và tính cách : quan hệ cha – con (đối với người cha An Sinh Vương và đối với hai đứa con của mình) quan hệ chủ tướng và gia nô, quan hệ giữa nhiệm vụ công việc với danh vọng bổng lộc.

– Chọn được những sự việc, chi tiết “đắt” trong cuộc đời nhân vật để những chi tiết đó tự nói lên sâu sắc chân dung nhân vật mà tác giả không cần phải giải thích, bình luận gì thêm (lời trình bày kế sách giữ nước với vua, việc hỏi ý kiến gia nô và con trai, và hành động rút gươm định giết Quốc Tảng,… )

– Bên cạnh những chi tiết thật, lại có chi tiết mang màu sắc thần kì (tráp đựng kiếm có tiếng kêu) chính là một thủ pháp nghệ thuật để tôn vinh, đề cao nhân vật.

4. Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích

Đây là cách kể chuyện về nhân vật lịch sử trong sách sử kí. Tác giả không làm văn nhưng bản thân cách kể chuyện ở đây đã mang sắc thái văn học khá rõ. Truyện được kể một cách trang trọng, khách quan, tôn trọng sự thực, dường như rất ít bình luận, lại dẫn nhiều sử sách và điển tích khiến câu chuyện như được tái hiện sinh động, có “không khí”, hấp dẫn người đọc bằng chính ý nghĩa của các chi tiết đã chọn lọc kĩ và được kể lại một cách mạch lạc, súc tích.

5. Chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương

Đây là chi tiết có ý nghĩa mang màu sắc thần kì nhằm tôn vinh, đề cao nhân vật lịch sử, thiêng liêng hóa người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Chi tiết này có nét tương đồng với chi tiết trả gươm thần của Lê Lợi trong Truyền thuyết Hồ Gươm. Trong truyền thuyết này, thanh gươm của Lê Lợi đeo bên mình bỗng nhiên động đậy khi Rùa Vàng nổi lên đòi lại gươm thần, còn ở đây thì “tráp đựng kiếm có tiếng kêu”. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã đưa một chi tiết của truyền thuyết dân gian vào câu chuyện kể về nhân vật lịch sử đời Trần để ca ngợi Trần Quốc Tuấn, như một nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người.

Có thể chọn cả hai ý bc trong SGK vì hai ý này đều đúng với ý nghĩa tôn vinh nhân vật.

LUYỆN TẬP 

1. Tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn không quá 20 dòng (tự làm)

2. Sưu tầm những câu chuyện có liên quan đến Trần Quốc Tuấn hoặc những bài thơ viết về ông (các sách Danh nhân Việt Nam. Các giai thoại trong dân gian,...)

(Học sinh tự làm)

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 22: Hưng đạo đại vương Trần Quốc tuấn
Đánh giá bài viết