BÀI LÀM 

“Đoạn trường tân thanh” hay “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là tác phẩm thơ ca viết về vấn đề thời sự, về những nỗi đau tưởng như ai cầm dao cắt lòng mình thành từng khúc. Với ý nghĩa đó, khi đặt nhan đề “Đoạn trường tân thanh”, Nguyễn Du muốn khẳng định bản quyền văn bản của mình, của dân tộc Việt Nam, hướng người đọc vào chủ đề tác phẩm.

Khi sáng tác “Đoạn trường tân thanh” Nguyễn Du đã dựa vào văn bản “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. “Kim Vân Kiều truyện” là tiểu thuyết viết theo thể chương hồi, gồm 20 hồi. Còn “Truyện Kiều” thuộc thể loại truyện thơ, viết bằng thể thơ của dân tộc, đó là thể lục bát. Về ngôn ngữ, ngôn ngữ của “Truyện Kiều” không phải do Nguyễn Du dịch từ tiếng Trung Hoa sang mà đó là ngôn ngữ của chính nhà thơ. Nguyễn Du đã kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ tự sự.

Viết “Kim Vân Kiều truyện”, Thanh Tâm Tài Nhân muốn đề cập tới một phạm trù chi phối người phụ nữ Trung Hoa trước đây mà người ta gọi là “đại đoan” – đầu mối lớn. Toàn bộ 20 hồi “Kim Vân Kiều truyện” đều chủ yếu nhằm mục đích chứng minh rằng Vương Thúy Kiều tuy ” ở trong cảnh dâm mà biết giữ điều trinh” “là cô gái tốt… có hiệu có trung…”. 

Nguyễn Du thì khác, tác phẩm của ông chuyển hẳn sang một chủ đề mới. Trước hết, Nguyễn Du chuyển thể loại tác phẩm từ tiểu thuyết chương hồi sang thơ. Đây không chỉ đơn thuần là việc chuyển hình thức diễn đạt, mà nhằm mục đích chuyển chủ đề của văn bản. Ông đưa tác phẩm từ loại hình tự sự sang loại hình tự sự – trữ tình, tức là chuyển tác giả từ người đứng ngoài câu chuyện thành người đứng trong cuộc. Làm như vậy, tác giả sẽ dẫn người đọc trôi theo dòng cảm xúc chung của toàn tác phẩm. Tiếp đó là, thay cho “lời tựa” và “lời bình” trong “Kim Vân Kiều truyện” Nguyễn Du nêu chủ đề tác phẩm ngay ở phần mở đầu:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Ông tuân thủ nguyên tắc sáng tác của thể tân thanh: viết về thời sự – những điều trông thấy, viết về nỗi khổ của người dân – cuộc bể dâu, viết bằng trái tim đồng cảm của người trong cuộc, khiến đọc lên ai cũng phải đau đớn lòng.

Vì thế, tác phẩm của Nguyễn Du đã đi sang một ngả đường khác mà ông khái quát như một chân lí:

Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. 

Đã là đàn bà, ai chẳng bạc mệnh. Trong “Truyện Kiều”, các nhân vật đàn bà về cơ bản đều bạc mệnh. Đạm Tiên, Kiều, Vân đều khổ cực, Hoạn Thư càng khổ đau. Tuy nhiên, Nguyễn Du không chứng minh “hồng nhan bạc mệnh”, mà chỉ đau xót thay cho số phận bạc mệnh của đàn bà. Đàn bà trong tác phẩm của ông cũng để chỉ những người có tài, có sắc. Chính vì thế, nhân vật Thúy Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du là cuộc đời với đầy rẫy những bi kịch. Kiều là người có lòng vị tha bị chà đạp, tấm lòng của Kiều trước sau như một, luôn hi sinh vì người khác. Thứ hai là điều mà Kiều tôn thờ thì bị hạ nhục, điều ghê tởm thì phải làm theo: Kiều coi trọng nhất là chữ “trinh”, nàng một lòng một dạ yêu Kim Trọng thắm thiết. Ấy vậy mà tai họa lại ập đến gia đình cô, Kiều phải bán mình chuộc cha, cuộc đời cô năm lần bảy lượt bị đẩy vào lầu xanh, làm kẻ mua vui cho những tên phong lưu ăn chơi. Kiều cũng là người chỉ vì tin người quá mà chết. Khi tên Sở khanh lừa cô, cô chỉ vì tin mà lại một lần nữa rơi vào lầu xanh,… Tóm lại, cuộc đời Kiều đã đi từ bi kịch này đến những bi kịch khác.

Như vậy, so với “Kim Vân Kiều truyện” tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” được Nguyễn Du sáng tạo rất thành công, cũng chính vì lí do đó mà tác phẩm vẫn còn tồn tại, sống mãi với người dân nước Việt.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 21: So sánh kiệt tác “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh) của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân để thấy được những sáng tạo của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”
4.9 (97.71%) 105 votes