BÀI LÀM

Trước Nguyễn Dữ, văn học viết Việt Nam hầu như vắng bóng hình ảnh người phụ nữ, nhất là người phụ nữ trong khung cảnh gia đình. Sự xuất hiện của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” cho thấy sự thức tỉnh của những giá trị nhân bản, sự quan tâm đến hạnh phúc đời thường trong văn học. Ngòi bút của Nguyễn Du đã thể hiện rõ vẻ đẹp cũng như số phận bị thảm của Vũ Nương, đó cũng là số phận của đại bộ phận người phụ nữ trong xã hội xưa.

Nguyễn Du đã đặt nhân vật của mình vào những tình huống khác nhau để thể hiện rõ phẩm chất của người phụ nữ thương chồng, yêu con, hiếu thảo với cha mẹ, đồng thời cũng hết mực thủy chung, son sắt.

Hình ảnh Vũ Nương được lấy làm nhan đề của truyện, nàng được giới thiệu đầy đủ họ tên, quê quán: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” Trong cuộc sống bình thường, nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải thất hòa. Vũ Nương là người biết cư xử khéo léo, đúng mực, biết nhường nhịn đúng như cha ông ta đã dạy:

“Chồng nóng thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. 

Hạnh phúc chưa được bao lâu thì Trương Sinh phải đi lính. Khi tiễn chồng đi lính, nàng rót chén rượu mà rằng: “Thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ  xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi…”. Nàng không trông mong vinh hoa phú quý mà chỉ mong người chồng được bình an trở về, đó là ước nguyện bình thường của người vợ thủy chung, nàng cũng cảm thông trước những nỗi vất vả, gian lao mà người chồng sẽ phải đối mặt. Qua đó thấy được tình yêu thương mà nàng dành cho người chồng của mình, nguyện hi sinh tất cả để chồng được bình an.

Khi xa chồng, Vũ Nương lại là một người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết, Nguyễn Dữ đã sử dụng những hình ảnh ước lệ để nói về nỗi nhớ chồng của nàng: “bướm lượn đầy vườn”, “mây che kín núi”, qua đó giúp ta cảm nhận rõ hơn tâm trạng mong nhớ khôn nguôi, nỗi cô đơn của nàng trong những ngày tháng xa chồng. Nàng là người con dâu hiếu thảo, người mẹ hiền lành, yêu thương con. Khi mẹ chồng ốm đau, nàng chăm sóc tận tình, khi mẹ mất, nàng lo liệu ma chay chu đáo.

Sau ba năm mòn mỏi mong chờ, cuối cùng Vũ Nương cũng được đón chồng trở về với hai chữ bình yên như ước nguyện của nàng thuở tiễn chồng ra đi. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với nàng, tưởng rằng chồng trở về sẽ là những tháng ngày hạnh phúc thì oái oăm thay, đó lại là ngày bị thảm nhất cuộc đời cô, ngày mà cô phải chịu nỗi oan dậy đất khi mà Trương Sinh thấy đứa con không nhận cha, và nói rằng: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Nghe xong câu nói đó, Trương Sinh nổi cơn ghen, chàng chửi mắng vợ không ngớt lời. Nàng đau đớn, tuyệt vọng khi giải thích mà người chồng không nghe, uổng công bao lâu nay luôn một lòng thủy chung, tận tình vì gia đình ấy mà bây giờ, mọi thứ dường như sụp đổ ngay trước mắt. Nàng thất vọng khi không hiểu vì sao lại bị đối xử bất công, không có quyền được tự bảo vệ ngay cả khi có họ hàng, anh em đến nói giúp. Chính vì Vũ Nương là một người phụ nữ yêu thương chồng con, luôn hướng về hạnh phúc gia đình nên khi bị Trường Sinh nghi ngờ, đánh đuổi khỏi nhà Vũ Nương không còn con đường nào khác đành tìm đến cái chết. Mơ ước về hạnh phúc gia đình của nàng là một mơ ước bình dị, một mơ ước mà một người bình thường cần có và nên có. Mơ ước ấy nàng đã từng có nhưng nó thật ngắn ngủi, để rồi sau đó chỉ chập chờn trong chiếc bóng hư ảo và rốt cuộc phải chịu cảnh “trâm gãy bình tan”. Cái chết của Vũ Nương là bi kịch về sự tan vỡ của những ước vọng hạnh phúc trong cuộc đời thường nhật.

Nỗi oan của Vũ Nương có nhiều nguyên nhân và được diễn tả sinh động như một màn kịch ngắn, có tạo tình huống, xung đột, thắt nút và mở nút. Cuộc hôn nhân giữa họ có phần không bình đẳng bởi Vũ Nương sinh ra trong gia đình nghèo khó, còn gia đình Trương Sinh thì có phần khá giả hơn. Sự cách bức ấy đã tạo nên cái thế cho Trường Sinh – người đàn ông gia trưởng trong chế độ xã hội phong kiến. Bởi thế Trương Sinh cho mình các quyền được hồ đồ và độc đoán: chàng không đủ bản lĩnh để phán đoán, phân tích, bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, không tin cả những nhân chứng bênh vực cho nàng, cũng nhất quyết không nói ra duyên cớ để cho vợ có cơ hội minh oan. Nút thắt ngày một chặt, kịch tính ngày một cao. Trương Sinh trở thành một kẻ vũ phu, thô bạo “mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi” dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương. Nàng khác nào bị bức tử, mà kẻ bức tử lại hoàn toàn vô can. Bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương của tác giả đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ.

Đứa con cũng là một nguyên nhân khiến cho Vũ Nương phải chết. Và chính đứa con cũng là người giải oan cho mẹ. Vào một đêm nó nhìn thấy bóng cha in trên vách và trỏ vào đó bảo: “Cha Đàn lại đến kia kìa”. Trường Sinh bấy giờ mới hiểu là đã nghi oan cho vợ. Chi tiết “cái bóng” cũng là một nét đặc sắc và có ảnh hưởng đến số phận của nàng. Vì thương con, nàng đã chỉ vào cái bóng mà nói rằng đây chính là bố của đứa bé; cũng vì cái bóng mà nàng bị người chồng nghi oan, dẫn đến cái chết; và cuối cùng, cái bóng lại là lời minh chứng, giải thích xác đáng cho nàng, nó quan trọng hơn mọi lời nói mà trước đây nàng đã cố nói với chồng.

Vũ Nương dù ở cõi tiên nhưng vẫn nặng lòng trần, những lời nói và hành động của nàng vẫn tha thiết với cuộc đời trần thế. Dù sống bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu cõi đời thì cõi trần vẫn là nơi nàng luôn tha thiết gắn bó. Điều ấy cũng có nghĩa là những mất mát và khổ đau nơi dương thế vẫn vẹn nguyên trong nàng, vẫn khiến nàng rơi lệ. Vũ Nương được cứu sống bằng phép kì ảo nhưng mất mát hạnh phúc của nàng là vĩnh viễn, chẳng phép màu nào có thể cứu vãn được. Giữa Trương Sinh và Vũ Nương vẫn là một khoảng cách không thể vượt qua, hạnh phúc mãi mãi chỉ là chiếc bóng kì ảo.

Vẻ đẹp về con người và nhân cách của Vũ Nương vẫn mãi được chiếu sáng, nàng là tấm gương lớn về tấm lòng chung thủy của người phụ nữ. Qua nhân vật Vũ Nương, tác giả muốn gửi gắm ước mơ về công bằng xã hội, ước mơ về cuộc sống tự do, hạnh phúc của con người. Đó là ước mơ của Vũ Nương và cũng là ước mơ của tất cả những người phụ nữ trong xã hội. Dù là trong thời nào thì người phụ nữ cũng đáng được yêu thương và trân trọng.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 2: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ để làm rõ vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa
Đánh giá bài viết