Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng… được hình thành, tồn tại, phát triển nhà tập thể và gắn bó mật thiết với các hoạt động khác nhau trong đời sống cộng đồng.

I. ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN

Cũng là sáng tác nghệ thuật ngôn từ, nhưng văn học dân gian khác với văn học viết bởi các đặc trưng sau:

1. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tính truyền miệng) .

– Văn học dân gian ra đời, tồn tại và phát triển nhờ truyền miệng. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết.

– Văn học viết được cố định trên trang sách, dưới hình thức chữ viết, còn văn học dân gian lại lưu truyền bằng miệng trong đời sống nhân dân, từ người này sang người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ địa phương này đến địa phương khác.

2. Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể (tính tập thể)

– Văn học viết là sáng tác của những tác giả cụ thể, được ghi rõ họ tên trên sách. Văn học dân gian là kết quả của quá trình sáng tác tập thể của quần chúng nhân dân. Khái niệm tập thể trong văn học dân gian đồng nghĩa với vô danh, có nghĩa là không có tác giả (hoặc không thể xác định được tác giả là ai cả).

– Quá trình sáng tác tập thể diễn ra như sau: Lúc đầu, một người khởi xướng, tác phẩm hình thành và được tập thể tiếp nhận; sau đó, những người khác (có thể thuộc các địa phương khác nhau hoặc các thế hệ khác nhau) tham gia sửa chữa, bổ sung làm cho tác phẩm biến đổi so với ban đầu, và được hoàn thiện hơn về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật đạt đến mức ổn định.

– Văn học dân gian được sáng tác tập thể và trở thành tài sản chung của tập thể.

3. Văn học dân gian gắn bó và phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng (tính thực hành) .

– Phần lớn các tác phẩm văn học dân gian được nảy sinh, truyền tụng trong các sinh hoạt cộng đồng như lao động tập thể, vui chơi ca hát tập thể, hội hè đình đám,… tạo nhịp điệu để phối hợp hoạt động, gợi cảm hứng cho người trong cuộc. Nó gắn bó với sinh hoạt cộng đồng.

– Trong nhiều trường hợp, văn học dân gian cũng gắn liền với sinh hoạt cá nhân, người chèo thuyền hát những bài ca sông nước, người mẹ ru con bằng những bài hát ru,….

– Văn học dân gian không bị bó hẹp trong phạm vi phản ánh các hoạt động cụ thể của con người mà thường mở rộng ra những vấn đề của đời sống tự nhiên và xã hội liên quan đến cộng đồng, dân tộc, thậm chí toàn nhân loại.

II. HỆ THỐNG THẾ LOẠI CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

– Cũng như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới, văn học dân gian Việt Nam có những thể loại chung và những thể loại riêng, hợp thành một hệ thống. Mỗi thể loại phản ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng.

– Khung thể loại của văn học dân gian Việt Nam bao gồm 12 thể loại sau đây: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.

III. NHỮNG GIÁ TRỊ CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

1. Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc

– Văn học dân gian là trí khôn của nhân dân. Tri thức trong văn học dân gian rất phong phú, đa dạng thuộc đủ mọi lĩnh vực của đời sống tự nhiên, xã hội và con người. 

– Tri thức dân gian thể hiện trình độ và quan điểm nhận thức của nhân dân, vì vậy có sự khác biệt so với nhận thức của giai cấp thống trị cùng thời, đặc biệt là về các vấn đề lịch sử, xã hội.

– Tri thức dân gian phần lớn là những kinh nghiệm lâu đời được nhân dân đúc kết lại.

2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người

– Quan trọng nhất là truyền thống nhân đạo của dân tộc mà văn học dân gian đã thể hiện sâu sắc và nhất quán trong các thể loại.

– Văn học dân gian góp phần hình thành cho các thế hệ đời sau những phẩm chất tốt đẹp về tinh thần yêu nước, lòng vị tha, óc thực tiễn, tinh thần đấu tranh chống cái xấu trong xã hội,…

3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc

– Văn học dân gian là kết tinh nghệ thuật ngôn từ của nhân dân. Đó là một nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam, tạo được những đỉnh cao như là những mẫu mực trong văn học nghệ thuật. Mỗi thể loại đều có cái hay, cái đẹp riêng, đem lại những rung động thẩm mĩ trong người đọc.

– Không chỉ hấp dẫn mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, văn học dân gian còn là nguồn nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã tìm đến văn học dân gian để học tập.

LUYỆN TẬP

Gợi ý cách làm:

– Đọc kĩ định nghĩa từng thể loại văn học dân gian trong SGK (mục II)

– Thống kê những điểm giống nhau giữa các thể loại:

– Tìm ra những điểm khác nhau giữa các thể loại.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 2: Khái quát văn học dân gian Việt Nam
Đánh giá bài viết