BÀI LÀM 

Kẻ đầu tiên mở đường dẫn lối, đưa cuộc đời Kiều rơi vào bị kịch chắc hẳn không phải ai khác ngoài Mã Giám Sinh. Biết tin gia đình Kiều gặp khó khăn, đang cần một khoản tiền lớn để cứu cha, hắn đã đến vờ hỏi cưới nàng về làm vợ lẽ nhưng thực chất đây là cuộc mua người, hắn mua Kiều để đưa vào lầu xanh. Qua đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” ta có thể thấy rõ bộ mặt của bọn buôn thịt bán người, mà cụ thể ở đây là bộ mặt thật của kẻ có tên là Mã Giám Sinh.

Nếu như Kiều, Vân, Kim Trọng, Từ Hải,… những nhân vật chính diện được Nguyễn Du dùng hình ảnh ước lệ tượng trưng để khắc họa thì trái lại, những nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh, Tú Bà thì lại được ông sử dụng bút pháp tả thực để lột tả hết cái bộ mặt xấu xa của chúng. Qua đó, ta thấy sự tài tình, tài hoa trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du. Chính điều này đã tạo nên thành công cho các sáng tác của ông và giúp Nguyễn Du trở thành đại thi hào của dân tộc. Khi tới nhà Kiều, Mã Giám Sinh đã tự giới thiệu về mình:

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh” 
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.

Vị khách tự giới thiệu mình là sinh viên trường Quốc Tử Giám, sau đó giới thiệu quê hương, bản quán. Hai chữ “rằng” được sử dụng liền trong hai câu thơ mặt nào đã nói lên tính cách của hắn. Hắn là người thô lỗ, là bề dưới mà lại ăn nói trống không, huống hồ gì hắn còn đang nói chuyện với người chuẩn bị cũng là cha của mình. Cách nói chuyện ấy không có chút nào là nho nhã, thanh lịch của một người có học. Quê quán mà Mã Giám Sinh giới thiệu thật mông lung, mơ hồ, chỉ giới thiệu cho có nhưng thực chất, hắn sống ở Lâm Truy, “Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề”. Hắn ta chủ ý giới thiệu như thế để bịp bợm, che giấu đi nguồn gốc xuất thân thật của mình. Cả hai câu giới thiệu chỉ biết được một thông tin duy nhất là hắn mang họ Mã. Lời giới thiệu ấy đã chứa đựng điều gì mờ ám về con người này.

Tiếp theo, Nguyễn Du hướng ngồi bút của mình đến ngoại hình của người này:

Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. 

Nhân cách y dần được hé lộ. Cái “nhẵn nhụi” của mày râu gợi lên một ấn tượng dung tục, tầm thường, cái “bảnh bao” của quần áo gợi lên một tính cách giả dối. Cái tài của Nguyễn Du là không miêu tả dài dòng mà đi sâu vào những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu, chọn lọc thể hiện được thần thái của nhân vật. Hình dáng bên ngoài chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn. Một loạt từ phỏng đoán đứng cạnh nhau: quá, trạc, ngoại làm cho khó có thể xác định được tuổi tác, chỉ biết là ngoài bốn mươi vậy mà cách ăn mặc còn cố tỏ ra trẻ trung.

Chỉ một câu “Trước thầy sau tớ lao xao”, Nguyễn Du đã tô đậm cái cung cách đi hỏi vợ lạ đời của Mã Giám Sinh. Hắn đi hỏi vợ mà kéo theo cả bầy người như đến bắt người. Họ đều là những kẻ vô học, ra vào nhà Kiều như cái chợ, gây sự náo loạn, đó là cách hành xử vô lễ.

Tiếp đến là các hành động của hắn: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Cái lối “ngồi tót” là cách ngồi của quân chuyên buôn người. Cái ghế đấy là ghế dành riêng cho chủ nhà hoặc những vị khách quý, vậy mà hắn nhảy lên ngồi một cách vô tư, thái độ coi thường mọi người. Hành động ấy, thái độ ấy là của kẻ tiểu nhân vô học. Chỉ qua vài chi tiết, chân tướng Mã đã dần bộc lộ.

Khi bà mối dẫn Kiều ra, lúc này bản chất thật của hắn mới được bộc lộ rõ nét, đó là bản chất của bạn lái buôn lọc lõi:

Đắn đo cân sắc cân tài, 
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.” 

Hắn mang tài sắc của Kiều ra để cân đo đong đếm xem Kiều có thực sự mang lại lời cho hắn không. Trước khi đưa ra quyết định mua nàng, hắn đã bắt nàng thử tài đánh đàn và làm thơ, khi nào làm hắn vừa ý thì mới mua. Đúng là những kẻ độc ác, là người với người mà chúng lại đối xử quá tàn nhẫn. Lẽ ra cái tài ấy của nàng phải được trân trọng, đề cao thì ở đây lại bị mang ra bán như mớ rau ngoài chợ mà tên mua hàng ở đây là một kẻ vô nhân tính. Trước mắt người đọc chỉ còn lại một hiện thực trần trụi đáng sợ: Mã Giám Sinh – tên tú ông bán thịt buôn người đã lộ nguyên hình 

Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.

 Hắn o ép Kiều đến bước đường cùng, hắn muốn tài sắc của Kiều hơn cả những người nghệ sĩ chuyên nghiệp mà giờ đây, sau hồi mua tới bán lui, hắn còn mặc cả từng đồng, từng xu một, Kiều càng thêm nhục nhã, đau đớn. Cuối cùng hắn mua Kiều chỉ với giá bốn trăm, vậy là cuộc mua bán này hắn đã quá lời, Kiều đã làm giàu cho hắn.

Miêu tả Mã Giám Sinh là một ví dụ điển hình cho cái tài miêu tả nhân vật của Nguyễn Du. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, bộ mặt thật của tên họ Mã đã hiện lên trần trụi, làm cho mọi người ghê rợn. Tác giả đã chọn những chi tiết đắt giá nhất để miêu tả, khắc họa tính cách nhân vật. Hắn đích thị là một kẻ buôn người, xảo trá, lọc lõi, giả dối và bủn xỉn,…

Cảnh “Mã Giám Sinh mua Kiều” đã thể hiện cái tâm và cái tài của Nguyễn Du. Qua nhân vật Mã Giám Sinh, nhà thơ đã tố cáo, lên án và khinh bỉ những kẻ buôn thịt bán người trong xã hội. Tài, sắc của người phụ nữ trở thành một món hàng, nhân phẩm của họ bị chà đạp xuống vũng bùn nhơ mà không bao giờ có thể rửa sạch được.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 19: Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” để làm rõ bộ mặt của bọn buôn thịt bán người
Đánh giá bài viết