BÀI LÀM 

Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa xuân cũng là mùa gợi cho con người bao rạo rực, bao yêu thương cháy bỏng. Cũng là mùa xuân ấy, nhưng trong cảm nhận của mỗi con người, mùa xuân có nét đẹp khác nhau. Đối với Nguyễn Du, ông cho rằng mùa xuân đẹp nhất là khi có sự hòa quyện của thiên nhiên mơn mởn, non xanh hòa quyện với tâm hồn vui tươi của con người. Điều này đã được ông minh chứng trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trích trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.

Nguyễn Du không chỉ là bậc thầy về ngôn ngữ, mà ông còn là một họa sĩ vẽ tranh bằng thơ Bức tranh ngày xuân của ông như hiện ra trước mắt người đọc một cuộc sống nhộn nhịp, náo nhiệt. Phải có con mắt quan sát kĩ lưỡng và tài năng bậc thầy về ngôn ngữ mới có thể vẽ lên bức tranh kì diệu đến vậy.

Mùa xuân đến với những chuyển mình độc đáo của thiên nhiên:

Ngày xuân con én đưa thoi, 
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Một không gian nghệ thuật hữu sắc, hữu hương, hữu tình và thật nên thơ. Trên bầu trời bao la rộng lớn, những con én chao qua, liệng lại như gọi xuân về trên miền quê yêu dấu. Mùa xuân mang đến sự ấm áp, sự sống căng đầy và niềm vui trọn vẹn. Hai chữ “đưa thoi” thật gợi hình, gợi cảm. Cánh én nhỏ như con thoi vút nhanh qua bầu trời yên ả, thế mà thật nhanh mắt, tác giả đã bắt trọn cái khoảnh khắc ấy. Cánh én bay qua nhanh cũng giống như sự chảy trôi của thời gian, của mùa xuân, nó đang qua đi từng ngày. Mùa xuân càng qua nhanh thì tuổi xuân, cuộc đời của con người lại càng ngắn lại.

Trên bầu trời thì có cánh én, dưới mặt đất thì có “cỏ non”. Sắc xanh của cô làm cho bức tranh ngày xuân thật nên thơ, cỏ cứ non tươi mơn mởn vì được thay áo sau mùa đông hoang tàn. Những ngọn cỏ ấy bắt được những hạt mưa xuân, những ánh nắng dịu dàng đầu mùa nên vươn lên rất nhanh. Thảm cỏ nối nhau trải dài đến tận phía chân trời, sắc xanh của trời được nối liền với sắc xanh của đất, tất cả đều gợi cho con người có cảm giác ấm áp và thật yên bình. Giữa nền xanh mướt ấy bỗng nổi bật những sắc trắng tinh khôi của những bông “hoa lê” bằng bút pháp điểm xuyết, hình ảnh hoa lê bỗng trở thành tâm điểm, nó khiến cho bài thơ như bừng lên một sức sống mãnh liệt, khó có thể dập tắt. Bức tranh thiên nhiên có sự giao thoa giữa trời và đất, giữa nền xanh và sắc trắng của cảnh vật mùa xuân là những con én đưa thoi, là màu hồng lãng mạn của ánh thiều quang, là khát vọng mùa xuân đang làm ngây ngất lòng người. Sự sống cứ dâng lên, căng tràn trong mỗi nét vẽ, mỗi câu thơ.

Mùa xuân ấy càng đẹp hơn khi có sự xuất hiện của con người, con người hòa vào với thiên nhiên để thưởng thức cuộc sống, cũng như để làm đẹp hơn bức tranh thiên nhiên. Đó là hình ảnh con người đi “tảo mộ” trong tiết thanh minh. Đây còn là một mùa lễ hội, mùa để con người vui chơi, gặp gỡ, mùa giao duyên. Cảnh trẩy hội tưng bừng, náo nhiệt:

Dập dìu tài tử giai nhân, 
Ngựa xe như nước áo quần như nêm. 

Hình ảnh những dòng người đông đúc, nối nhau đi trẩy hội, vẻ mặt ai nấy cũng tươi vui, háo hức. Bởi đây là dịp, là cơ hội để họ được gần nhau, được chia sẻ, giãi bày tâm sự, cũng là cơ hội để các cặp trai gái xe duyên cùng nhau. Ai ai cũng tới với những bộ trang phục đẹp nhất, bắt mắt nhất, ai cũng muốn mình sẽ trở thành tâm điểm của mọi ánh mắt. Nhịp thơ sôi nổi, sảng khoái như chính nét tâm trạng hào hứng, phấn khởi của con người. Nguyễn Du đã rất tài tình trong việc sử dụng một loạt hình ảnh có tính chất gợi hình gợi tả, khiến cho người đọc như là một nhân vật đang tham gia trong không khí lễ hội mùa xuân đó. Tảo mộ cũng là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân phương Đông:

Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay. 

Những phong tục tập quán khi mùa xuân về, trong lễ đã được Nguyễn Du vẽ lên chân chất, mộc mạc, giúp con người gợi nhớ và biết ơn quá khứ. Đó chính là lòng thành kính hướng về quá khứ, về tổ tiên cha mẹ với sự biết ơn chân thành nhất.

Thời gian đã ngả về chiều, không khí tươi vui, náo nhiệt khi trước giờ cũng đã tan dần:

Tà tà bóng ngả về tây, 
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê, 
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. 

Mặt trời đang dần xuống núi, ngày hội sao trôi qua nhanh. Nhịp thơ nhẹ nhàng, trầm bổng khiến cho tâm trạng con người trở nên nặng nề và buồn rầu. Không gian lúc này trái ngược với không khí nhộn nhịp buổi sáng. Việc sử dụng dày đặc các từ láy gợi lên sự nhạt nhòa của cảnh vật và sự rung động, bâng khuâng của tâm hồn giai nhân khi hội tan. Từ người đến cảnh, tất cả đều trở nên vắng lặng, đìu hiu và thấm đượm nỗi sầu. Mỗi bước chân ra về cũng trở nên nặng nề hơn khi màn đêm sắp buông xuống. Tâm sự của con người như nhuốm vào cảnh sắc thiên nhiên, khiến cho nó tiêu điều và xơ xác hơn.

Cảnh vật và thời gian được miêu tả bằng bút pháp ước lệ tượng trưng nhưng rất sống động, gần gũi, thân quen với bất cứ người dân nào của Việt Nam. Không còn xa lạ nữa vì ngọn tiểu khê ấy, dịp cầu nho nhỏ ấy là màu sắc đồng quê, là cảnh quê hương đất nước mình. Tính dân tộc là một nét đậm đà trong thơ Nguyễn Du, nhất là những vần thơ tả cảnh ngụ tình.

Như vậy, bức tranh “Cảnh ngày xuân” mang phong vị rất riêng của đại thi hào Nguyễn Du. Dù vui hay buồn thì bức tranh ấy cũng đã làm sống dậy trong lòng người đọc bao cảm xúc, làm cho con người thêm yêu hơn cái cảnh sắc thiên nhiên quê hương, đất nước.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 15: Cảm nhận của em về bức tranh “Cảnh ngày xuân” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
Đánh giá bài viết