BÀI LÀM 

Cái đẹp từ lâu đã trở thành cái đích mà con người hướng tới, ấy là đẹp người, đẹp nết, đẹp cả tâm hồn lại còn có tài năng. Trong văn chương cũng đã có rất nhiều tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp và tài năng của con người. Mà một trong những tuyệt tác lớn nhất đó chính là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Trong tác phẩm, Nguyễn Du đã khắc họa vẻ đẹp và tài năng của nhân vật Vương Thúy Kiều, điều này được thể hiện rõ nét trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.

Nguyễn Du đã sử dụng linh hoạt các bút pháp nghệ thuật khác nhau để khắc họa nhân vật của mình. Đối với những nhân vật phản diện như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh,… ông dùng bút pháp tả thực để lột tả được bộ mặt thật của bọn xấu xa, bất nhân. Còn đối với những nhân vật chính diện như Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải,… thì ông dùng bút pháp ước lệ tượng trưng để khắc họa vẻ đẹp sáng ngời của họ. Bằng bút pháp này, Thúy Kiều hiện lên trước mắt người đọc thật hấp dẫn và đó là bức tranh tuyệt mĩ.

Ở phần đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu chung về vẻ đẹp của hai nhân vật:

Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Với bút pháp ước lệ, tác giả đã gợi lên vẻ đẹp thanh cao, duyên dáng, trong trắng của hai chị em. Họ đẹp từ hình dáng đến tâm hồn bên trong. Cả hai đều như những hạt ngọc lung linh mà ông trời ban cho, vẻ đẹp ấy chẳng ai sánh bằng. Mỗi người đẹp một vẻ khác nhau và khó có thể so sánh được.

Sau lời giới thiệu đó, Nguyễn Du đã đi vào miêu tả vẻ đẹp của Vân trước. Vận được đại thi hào miêu tả kĩ lưỡng từng sợi tóc cho đến làn da, tất cả đều hoàn mĩ. Miêu tả Vân trước là một dụng ý của nhà thơ, lấy Vân làm điểm tựa để miêu tả Kiều. Vân đã đẹp, đã tài rồi nhưng Kiều lại còn đẹp hơn và tài hoa hơn nữa:

Kiều càng sắc sảo mặn mà 
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. 

Kiều đã được tác giả đưa lên một tầm cao mới, vượt xa cả về nhan sắc và tài năng. Nếu như khi miêu tả Vân, Nguyễn Du đã miêu tả khuôn mặt, nụ cười, mái tóc, làn da thì ở Kiều, ông chỉ khắc họa một nét ngoại hình duy nhất đó là “đôi mắt”. Kiều có đôi mắt sáng long lanh như nước mùa thu, đôi lông mày thanh cao, nhã nhặn như nét vẽ mùa xuân. Có lẽ, đôi mắt của Kiều đại diện cho toàn bộ con người nàng, nơi hội tụ tất cả vẻ đẹp của nàng. Bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Không tả cụ thể, tỉ mỉ như Vân mà chỉ đặc tả đôi mắt theo lối điểm nhãn, đôi mắt ấy có chiều sâu, có sự hấp dẫn, thu hút lạ lùng. Vẻ đẹp ấy của Kiều khiến “hoa” phải “ghen”, “liễu” phải “hờn” Giờ đây, vẻ đẹp của con người đã trở thành chuẩn mực của vẻ đẹp thiên nhiên, thiên nhiên cũng phải đố kị, ghen ghét với con người. Có lẽ cũng chính vì vẻ đẹp và sự đố kị này đã dẫn đến cuộc đời bất hạnh sau này của Kiều.

Nguyễn Du chỉ dùng hai câu thơ để miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của Kiều, còn lại, ông đã tập trung ngòi bút của mình vào tài năng của Thúy Kiều. Vậy tài năng của nàng có gì đặc biệt mà tác giả lại dành một dung lượng khá lớn để khắc họa tài năng ấy?

Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trường.

Trời không những ban cho nàng sự thông minh, sắc sảo mà ở con người ấy còn hội tụ đủ mọi tài năng ở trên đời: cầm – kì – thi – họa. Trong những tài năng ấy, nàng nổi trội hơn cả là về tài đàn ca, mà theo Nguyễn Du, những khúc đàn nàng đánh không có ai trên đời này có thể sánh được. Mỗi bản nhạc mà nàng gảy chứa đựng cả linh hồn nàng. Kiều còn sáng tác cả nhạc, khúc nhạc mà nàng cảm thấy yêu thích nhất là khúc ca “Bạc mệnh”. Có thể ngay từ lúc này, nàng đã có dự cảm không lành về số phận, cuộc đời mình nên nàng mới có sự say mê với khúc ca này đến vậy. Qua đó cũng cho ta thấy Kiều là một con người đa sầu, đa cảm, lúc nào cũng thường trực những suy nghĩ về một tương lai đầy trắc trở, lận đận.

Nguyễn Du khắc họa cái tài, cái sắc của Kiều như một điều dự báo trước về số phận cuộc đời Kiều sau này: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” hay “tài hoa thì bạc mệnh”. Đây là một nguyên nhân lí giải cho nỗi bất hạnh sau này của Kiều. Kiều không thể trách được ai khác, mà nàng chỉ có thể trách chính mình, trách mình vì đã quá tài hoa, trách mình đã quá hoàn hảo. Có tài, có sắc mà cái tài, cái sắc ấy không được xã hội bất công thời ấy trọng dụng, nàng càng đau xót hơn bao giờ hết.

Như vậy, bằng ngòi bút quen thuộc, kết hợp ẩn dụ và ước lệ tượng trưng, Nguyễn Du đã thật thành công trong việc miêu tả cái tài, cái sắc của Kiều. Ngợi ca tài năng của nàng, ông cũng muốn nhắn gửi tới xã hội lúc bấy giờ hãy trân trọng tài năng của con người, đừng để những điều tinh túy nhất bị vùi lấp nơi bóng tối. Qua đó thể hiện giá trị nhân đạo và nhân văn sâu sắc của tác giả.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 13: Phân tích chân dung Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
Đánh giá bài viết