I. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN LƯU Ý

1. Câu hỏi chuẩn bị bài

Vấn đề 1. Vì sao con cái sinh ra lại có những tính trạng giống hay khác bố, mẹ?

TRẢ LỜI

Quá trình sinh sản của con người nói riêng và các loài sinh sản hữu tính nói chung liên quan mật thiết đến cơ chế di truyền và biến dị. Sự nhân đôi của ADN làm cơ sở cho sự nhân đôi của nhiễm sắc thể (NST) trong nhân tế bào và đưa đến sự phân bào. Phân bào là hình thức sinh sản của tế bào, là cơ sở cho sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Nhờ đó các tính trạng của thế hệ trước được truyền đạt cho thế hệ sau. Sự biến đổi và sắp xếp lại vật chất di truyền (ADN, NST) là cơ sở đưa đến sự giống nhau hoặc khác nhau về tính trạng giữa thế hệ sau so với thế hệ trước.

Chính vì thế, con cái sinh ra ngoài một số đặc điểm giống bố, mẹ thì còn rất nhiều các đặc điểm khác là kết quả của việc sắp xếp lại vật chất di truyền từ bố, mẹ.

Vấn đề 2. Quan sát hình 1.2 SGK và nêu nhận xét về từng cặp tính trạng đem lại.

TRẢ LỜI

Hình 1.2 cho ta thấy 7 cặp tính trạng tương phản được Menđen nghiên cứu ở đậu Hà Lan.

Menđen chọn đậu Hà Lan làm đối tượng nghiên cứu vì ở đậu Hà Lan có nhiều đặc điểm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu di truyền: dễ trồng, có thể phân biệt rõ ràng về các cặp tính trạng tương phản, tự thụ phấn nghiêm ngặt nên dễ tạo dòng thuần.

Điểm độc đáo trong phương pháp nghiên cứu của Menđen so với các kết quả trước đó là Menđen đã theo dõi sự biểu hiện qua các thế hệ lai của từng cặp tính trạng riêng lẻ trong quá trình nghiên cứu. 

Công trình nghiên cứu của Menđen đã được công bố năm 1965 nhưng mãi cho đến năm 1900 mới được giới khoa học thừa nhận do sự hiểu biết về lĩnh vực khoa học tế bào còn hạn chế tại thời điểm đó. 

2. Ghi nhớ

Di truyền học nghiên cứu cơ sở vật chất, cơ chế, tính quy luật của hiện tượng di truyền và biến dị. Di truyền học có vai trò quan trọng không chỉ về lý thuyết mà còn có giá trị thực thiện cho Khoa học chọn giống và Y học, đặc biệt là trong Công nghệ sinh học hiện đại.

Bằng phương pháp phân tích các thế hệ lai, Menđen đã phát minh ra quy luật di truyền từ thực nghiệm, đặt nền móng cho Di truyền học. 

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP 

Câu 1. Trình bày đối tượng, nội dung và ý nghĩa thực tiễn của Di truyền học. 

Hướng dẫn trả lời:

– Đối tượng của di truyền học là: nghiên cứu bản chất và tính quy luật của các hiện tượng di truyền ở sinh vật. 

– Nội dung của di truyền học nghiên cứu các vấn đề sau:

+ Cơ sở vật chất và cơ chế của hiện tượng di truyền. 

+ Các quy luật di truyền.

+ Nguyên nhân và quy luật biến dị.

– Ý nghĩa của di truyền học: Di truyền học là cơ sở lý thuyết của Khoa học chọn giống, có vai trò rất lớn đối với Y học và có tầm quan trọng trong Công nghệ sinh học hiện đại.

Câu 2. Nội dung cơ bản của phương pháp phân tích các thế hệ lai của Menđen gồm những điểm nào? 

Hướng dẫn trả lời: 

Nội dung cơ bản của phương pháp phân tích các thế hệ lai:

– Lai các cặp bố mẹ thuần chủng khác nhau về một hay một số cặp tính trạng tương phản.

– Theo dõi sự di truyền riêng rẽ của từng cặp tính trạng ở đời con cháu. 

– Dùng toán thống kê để phân tích các số liệu thu được.

Câu 3. Hãy lấy các ví dụ về tính trạng ở người để minh họa cho khái niệm “cặp tính trạng tương phản”. 

Hướng dẫn trả lời:

Người cao – Người thấp 

Da trắng – Da đen 

Tóc thẳng – Tóc xoăn

Mắt đen – Mắt nâu…

Câu 4. Tại sao Menđen lại chọn các cặp tính trạng tương phản khi thực hiện các phép lai? 

Hướng dẫn trả lời:

Menđen chọn các cặp tính trạng tương phản khi thực hiện các phép lai là để theo dõi những biểu hiện của tính trạng.

Bài 1: Menđen và Di truyền học
Đánh giá bài viết