I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ,

Nắm được thế nào là hoạt động giao tiếp và các nhân tố giao tiếp.

1. Hoạt động giao tiếp

Hoạt động giao tiếp là hoạt động diễn ra giữa mọi người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ (nói hoặc viết), nhằm trao đổi thông tin, bộc lộ tình cảm, thái độ, quan hệ, hoặc bàn bạc để tiến tới một hành động nào đó.

Văn bản trong SGK ghi lại một hoạt động giao tiếp cụ thể:

– Diễn ra giữa vua Nhân Tông và các bô lão. Vua là người lãnh đạo tối cao của đất nước, các bô lão đời nhà Trần là đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quan hệ giao tiếp ở đây là quan hệ vua – tôi (các từ xưng hô “bệ hạ”, “xin”, “thưa”,…) 

– Sự giao tiếp diễn ra trong hoàn cảnh đất nước có giặc ngoại xâm hung hãn, vua tôi nhà Trần phải cùng nhau bàn bạc để tìm ra sách lược đối phó. Địa điểm là điện Diên Hồng.

– Nội dung giao tiếp là thảo luận về tình hình đất nước có giặc ngoại xâm và bàn bạc về sách lược đối phó. Nhà vua hỏi ý kiến các bô lão và họ đều đồng thanh nhất trí quyết tâm “đánh”.

– Mục đích giao tiếp là bàn bạc để thống nhất sách lược đối phó với quân giặc. Cuộc giao tiếp đã đi đến sự thống nhất hành động (“đánh”), nghĩa là đã đạt được mục đích.

2. Nhân tố giao tiếp

Trong hoạt động giao tiếp có sự tham gia và sự chi phối của các nhân tố giao tiếp sau:

– Nhân vật giao tiếp;

– Hoàn cảnh giao tiếp;

– Nội dung giao tiếp;

– Mục đích giao tiếp;

– Phương tiện và cách thức giao tiếp.

   Ở văn bản Tổng quan văn học Việt Nam, có thể thấy các nhân tố giao tiếp đó như sau: Người viết ở lứa tuổi cao hơn, có trình độ hiểu biết cao hơn về văn học, thường là nhà giáo hoặc người nghiên cứu văn học. Người đọc thuộc lớp trẻ, hiểu biết về văn học thấp hơn.

Hoàn cảnh giao tiếp được tiến hành trong nhà trường, nói rộng ra là trong hoàn cảnh của nền giáo dục quốc dân (hoàn cảnh có tính quy thức: văn bản là bài trong SGK của Nhà nước để học sinh theo đó mà học tập).

Nội dung giao tiếp thuộc lĩnh vực văn học, về đề tài Tổng quan văn học Việt Nam. 

– Mục đích giao tiếp là thông qua văn bản, học sinh có thể nắm được vấn đề trình bày trong bài viết. Vì vậy:

+ Xét từ phía người viết: phải viết sao cho rõ, gọn, dễ hiểu vấn đề đó để học sinh lớp 10 có thể tiếp thu được.

+ Xét từ phía người đọc: phải có cách đọc sao cho tự mình có thể tiếp nhận, lĩnh hội được vấn đề đó ở bước đầu, tạo cơ sở để tiếp thu bài giảng của thầy trên lớp học. 

– Phương tiện và cách thức giao tiếp ở đây gồm một số điểm cơ bản sau:

+ Dùng một số lượng lớn các thuật ngữ văn học

+ Dùng văn phong khoa học với lối viết rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ.

+ Kết cấu văn bản rõ, gọn; có hệ thống đề mục lớn nhỏ, có hệ thống luận điểm, luận cứ,…

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 1: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
Đánh giá bài viết